Người phụ nữ 54 tuổi nhập viện vì lơ mơ, đau bụng và có những dấu hiệu của ngộ độc sau khi uống thuốc viên gia truyền "3 đời trị tiểu đường". Kiểm nghiệm xác định thuốc chứa chất cấm phenformin.
Tình trạng của bệnh nhân ngộ độc theo ghi nhận từ bệnh viện
Ngày 28/12, bác sĩ Hoàng Ngọc Ánh, Phó Khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết xét nghiệm máu ghi nhận bệnh nhân toan chuyển hóa rất nặng. Đây là biến chứng ngộ độc nguy hiểm, có thể dẫn đến hôn mê, tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Người bệnh được hồi sức, lọc máu cấp cứu. Sau ba ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân cải thiện dần. Người nhà cho biết bà uống thuốc dạng viên, đựng trong gói nilon, không rõ nhãn hiệu, xuất xứ.
Các bác sĩ nghĩ nhiều đến ngộ độc chất cấm phenformin, gửi mẫu sang Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM. Kết quả, thuốc có thành phần dương tính với phenformin. Đây là chất chữa đái tháo đường cũ, bị cấm lưu hành trên thế giới từ cuối thập niên 70, bởi gây ra tác dụng phụ cực kỳ nghiêm trọng, đặc biệt là toan chuyển hóa máu, khiến nhiều người tử vong.
Cảnh tỉnh trước những loại thuốc không rõ nguồn gốc được thổi phồng công dụng
Tại Việt Nam, phenformin được lén bào chế chữa tiểu đường dưới dạng viên, thuốc tễ..., thường được kinh doanh trên mạng. Bệnh nhân uống loại thuốc này thường có biểu hiện mệt mỏi, thở gấp, tim đập nhanh, tụt huyết áp, rối loạn tri giác, suy hô hấp...
Theo bác sĩ Ánh, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng vài ca ngộ độc phenformin. Có trường hợp không qua khỏi vì tình trạng nặng, vào viện cấp cứu trễ.
Bác sĩ khuyến cáo người dân cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và kê đơn thuốc phù hợp, an toàn. Đái tháo đường là bệnh mạn tính, cần điều trị, theo dõi lâu dài, chặt chẽ của bác sĩ, kết hợp tuân thủ chế độ ăn uống, vận động. Cảnh giác các quảng cáo, chào mời thuốc gia truyền, sản phẩm không rõ nguồn gốc. Không tự ý sử dụng thuốc theo các toa truyền miệng. Để tránh tình trạng ngộ độc hoặc nghiêm trọng hơn là dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.
Khi có dấu hiệu bất thường như mệt mỏi, khát nước, đi tiểu nhiều, sút cân, nên đến bệnh viện kiểm tra hoặc thông báo với bác sĩ điều trị để được tư vấn và điều chỉnh thuốc phù hợp.
Mới đây, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM phân tích thành phần thuốc Linh tiên song đằng tố được quảng cáo trên mạng là "top 1, tốt nhất", phát hiện sản phẩm bị pha trộn trái phép tân dược.
Theo Vnexpress