Hân, 23 tuổi, đến một thẩm mỹ viện làm đẹp tại quận 7, TP HCM, tiêm filler làm đầy thể tích môi theo liệu trình 3 tuần với mong muốn sở hữu bờ môi đầy đặn, căng mọng. Nhân viên tư vấn môi sẽ "quyến rũ tự nhiên" ngay sau buổi đầu tiên, không cần tô son, giá bằng 1/3 so với cơ sở khác.
Một tuần sau tiêm, môi cô căng tức, tím nhẹ, kèm theo đau nhức. Hân quay lại cơ sở thẩm mỹ thực hiện tiêm giải chất, song chủ cơ sở nói lỗi do cô "không chăm sóc kỹ". Phần môi dưới và bên trong niêm mạc môi xuất hiện dịch mủ nhầy, hôi, khó cử động.
Tiếp nhận trường hợp này hôm 20/12, bác sĩ Thái Thanh Yến, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết vùng môi bệnh nhân bị biến chứng do tiêm filler, phải sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau.
Sau 7 ngày, bác sĩ tiếp tục chích, dẫn tháo dịch mủ và vệ sinh vết thương. Hiện tình trạng người bệnh ổn định, hết đau nhức, dịch mủ ngừng chảy. Tuy nhiên, vùng môi bị nhiễm trùng, ảnh hưởng thẩm mỹ.
Trường hợp khác, nam 56 tuổi, mong muốn ngoại hình trẻ trung hơn nên đến một thẩm mỹ viện để tiêm mesotherapy vào gian mày (giữa hai bên lông mày) hồi giữa tháng 12. Mesotherapy là phương pháp sử dụng kim tiêm để đưa trực tiếp hoạt chất vào lớp trung bì nông của da, giúp da căng bóng, mịn màng. Tại đây, nhân viên quảng cáo thủ thuật "không đau, không biến chứng, đẹp ngay sau buổi đầu tiên".
Một ngày sau, bệnh nhân đau đầu, vùng gian mày xuất hiện hồng ban, mụn nước, mủ, hoại tử da theo vùng tiêm kèm sưng nề, đau nhức. Ông đi khám tại một bệnh viện, được kê thuốc bôi kháng sinh và kháng khuẩn, song không thuyên giảm. Bác sĩ chẩn đoán phản ứng u hạt do mesotherapy, tiếp tục sử dụng kháng sinh và kháng viêm đến khi sang thương khô dần, đóng vảy tiết.
Bác sĩ Yến cho biết cuối năm là thời điểm nhu cầu làm đẹp của người dân tăng, do mong muốn có vẻ ngoài hoàn hảo trước Tết Nguyên đán.
Dịch vụ thường được chọn là can thiệp không xâm lấn như laser, triệt lông, chăm sóc da trẻ hóa, tiêm botox, filler, meso...
Đây cũng là lúc các cơ sở thẩm mỹ tung nhiều chương trình khuyến mại nhằm kích cầu. Trong đó, nhiều cơ sở quảng cáo "làm đẹp không đau, không sưng, an toàn và hiệu quả tuyệt đối, không ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, nhanh chóng giúp lấy lại tuổi thanh xuân". Họ còn cam kết sẽ hoàn tiền nếu không đem lại hiệu quả. Trong khi đó, bất kỳ kỹ thuật xâm lấn hoặc vật liệu đưa vào cơ thể nào cũng kèm rủi ro, không hoàn hảo như lời quảng cáo.
"Nhiều trường hợp nhẹ dạ cả tin, giao sức khỏe của mình cho cơ sở kém uy tín dẫn đến tai biến, có người không thể khôi phục hình dạng ban đầu", bác sĩ Yến nói.
Tương tự, tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, Phó chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, nói đa số bệnh nhân "gặp họa" đều đến từ các cơ sở kém chất lượng, nhân viên không được đào tạo bài bản, thiếu giấy phép hoặc chứng chỉ nhưng vẫn hành nghề. Thậm chí, ở một số nơi, nhân viên quét dọn, hoặc người học hết lớp 12 khoác áo "blouse" trắng để tư vấn và trực tiếp thực hiện thủ thuật.
Thực chất, "không có thủ thuật nào là an toàn tuyệt đối", tiến sĩ Tuấn nói. Nhưng, khách hàng phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở đã được cấp phép, bác sĩ có kinh nghiệm thì nguy cơ tai biến sẽ ít đi.
Từ đầu năm tới nay, cả nước đã xảy ra nhiều ca tai biến thẩm mỹ. Hồi tháng 7, nhận làm mẫu cho học viên trong spa cắt mí, cô gái 20 tuổi ở Hà Nội bị biến dạng mắt, tụ máu, dịch, mí mắt sưng không thể mở. Sau khám, bác sĩ cho biết đường rạch da phẫu thuật cắt mí nham nhở, không đúng theo giải phẫu thông thường, chỉ khâu bị cộm, mất thẩm mỹ. Ngoài ra, hai mắt bầm tím, sưng nề nhiều, chảy ít dịch từ vết mổ, khó mở mắt, hạn chế tầm nhìn dẫn đến biến chứng tụ máu, dịch. Nguyên nhân có thể do người thực hiện tiểu phẫu đã không nắm vững kiến thức giải phẫu, kỹ thuật không chính xác.
Trước đó, người phụ nữ 50 tuổi, sau khi hút mỡ vùng bụng toàn phần, hút mỡ lưng với phương pháp gây mê nội khí quản tại TP HCM thì bị thủng bụng, rách mạch máu, rơi vào hôn mê, được bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cứu kịp thời.
Đầu tháng 4, người phụ nữ 45 tuổi, phẫu thuật tại Bệnh viện Chuyên khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ Korean Star - Sao Hàn, quận 10, TP HCM. Năm ngày sau, người này khó thở, không nói chuyện được nhưng vẫn còn tỉnh táo, vào Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, Đồng Nai cấp cứu, sau đó tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo người dân nên chọn những cơ sở làm đẹp được cấp phép hoạt động, đội ngũ bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, chuyên môn cao, nhằm hạn chế tối đa tai biến.
Ngoài ra, làm đẹp cần có thời gian, không nên tin vào những lời quảng cáo có cánh như "đẹp ngay sau buổi đầu tiên", "hoàn tiền nếu không hiệu quả". Chưa kể, nhiều bệnh nhân xuất hiện biến chứng không đến viện ngay mà thường tự điều trị hoặc quay lại nơi làm đẹp, đến khi nặng mới đến viện cầu cứu. Sai lầm này khiến tình trạng của người bệnh nặng nề, khó hồi phục và chi phí tốn kém hơn.
"Việc làm đẹp và an toàn luôn phải đi đôi với nhau", bác sĩ Yến nói, thêm rằng nếu lựa chọn làm đẹp bất chấp an toàn của bản thân, ham rẻ, người bệnh có thể phải chịu ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, thậm chí tính mạng.
Theo VnExpress