Bệnh Nhân TIm Mạch Và Đột Quỵ Tăng Cao Trong Mùa Rét Hà Nội

Số ca nhập viện ở Hà Nội tăng 10-15% với các bệnh lý về tim mạch, đột quỵ não, huyết khối... so với tháng trước. Các bệnh nhân thường là những người trẻ tuổi

Hôm 21/12, TS.BS Võ Hồng Khôi, Giám đốc Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết một tuần nay, thời tiết rét đậm, rét hại, các bệnh nhân vào cấp cứu tại Trung tâm cấp cứu A9, Trung tâm đột quỵ, Trung tâm thần kinh đều tăng ít nhất 10-15%.

Tại Trung tâm Thần kinh, mỗi ngày thường tiếp nhận 30-50 bệnh nhân, song một tuần trở lại đây lên tới 60-70 ca mỗi ngày. Bệnh nhân mắc đa bệnh lý, từ đột quỵ não, chảy máu dưới nhện, huyết khối tĩnh mạch não, viêm não tự miễn, viêm não virus, bệnh lý nhiễm trùng, thần kinh... 12 y bác sĩ một ca trực quay cuồng với khối lượng công việc tăng đột biến.

"Thời tiết lạnh không chỉ ảnh hưởng đến bệnh nhân lớn tuổi mà cả người trẻ. Đặc biệt, bệnh nhân nặng ở tuyến dưới chuyển lên, khiến toàn bệnh viện quá tải", TS Khôi cho hay.

benh-nhan-tim-mach-va-dot-quy-tang-cao-trong-mua-ret-ha-noi_65844cef2be72.png
Một bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ tại Bệnh viện E. 

Bệnh viện E cũng ghi nhận lượng bệnh nhân tăng tương tự. Khoa Cấp cứu tiếp nhận nhiều ca đột quỵ não và các bệnh tim mạch. Đặc biệt, đột quỵ não ngày càng trẻ hóa, khiến nhiều người chủ quan, trong khi đó bệnh lý tim mạch lại "tấn công" người già.

Như bệnh nhân nam 34 tuổi ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đột ngột bị yếu nửa người trái, nói khó khi đang chơi bóng bàn tại cơ quan sau giờ làm việc, hôm 19/12. Kết quả kiểm tra tại bệnh viện xác định người bệnh bị đột quỵ não.

"Anh được chẩn đoán là tắc mạch máu não cấp đến trong 'thời gian vàng' sau 25 phút kể từ khi khởi phát triệu chứng ban đầu", ThS.BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, Khoa Cấp cứu, nói, thêm rằng người bệnh được sử dụng thuốc tiêu huyết khối thông mạch máu não.

Hay bệnh nhân 89 tuổi, ở Nam Định, được chuyển đến Bệnh viện E cấp cứu sau khi sốt, ho, khó thở. Kết quả khám cho thấy men tim của người bệnh tăng gấp 30 lần so với ngưỡng thông thường, tính mạng bị đe dọa. Hiện, sau điều trị hồi sức tích cực, cụ ông đã tỉnh táo.

Các bác sĩ cho biết thời tiết lạnh giá có thể khiến huyết áp tăng cao so với mùa hè khoảng 5 mmHg, kéo theo tăng 21% các biến chứng tim mạch. Trời lạnh cũng làm tăng tiết các catecholamin (một loại nội tiết tố) trong máu, dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp. Trong khi đó, đa số người dân không biết hoặc chưa kiểm soát tốt huyết áp của mình.

Huyết áp cao có thể gây đột quỵ, mất chức năng não đột ngột do thiếu máu cung cấp cho não. Tăng huyết áp cũng kéo theo nguy cơ mắc các vấn đề về tim và mạch máu khác, dẫn đến đau hoặc suy tim với các triệu chứng như đau đầu dữ dội, đau ngực, tê hoặc ngứa ran ở mặt hoặc cánh tay.

Người có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối có thể bị tắc, thậm chí vỡ mạch máu, dẫn đến xuất huyết não, nguy cơ tử vong hoặc để lại các biến chứng nặng nề.

TS.BS Võ Hồng Khôi, Giám đốc Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai.

Bác sĩ Yên khuyến cáo, để phòng tránh đột quỵ não và tim mạch mùa lạnh, người dân cần tầm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường, thuốc lá, bia rượu, chất kích thích...

Đồng thời, trong khoảng thời gian vàng từ dưới 3 giờ đến 4,5 giờ đầu sau khi khởi phát đột quỵ, người bệnh được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời thì cơ hội sống sót và phục hồi rất cao.

Với những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, khi thấy những đột ngột nói khó, liệt nửa người, nhìn mờ một bên mắt, liệt nửa mặt... gia đình chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện sớm.

"Thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều, sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong", bác sĩ cho hay.

 

Theo Vnexpress

vnexpress.net