Không chỉ mùa hè, nguy cơ sốc nhiệt trong mùa đông cũng có thể xảy ra. Sốc nhiệt trong mùa đông có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như chóng mặt, ngất xỉu, đột quỵ, thậm chí là tử vong.
Dưới đây là những chia sẻ của BS Nguyễn Định Công - Chuyên khoa Tim Mạch - Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc Phúc Trường Minh (Hà Nội) - về những nguy hiểm khi bước sang môi trường thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột, dễ dẫn đến sốc nhiệt.
Bước sang môi trường thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột có thể gây đột quỵ không?
Việc thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột (ví dụ từ môi trường lạnh ra môi trường nóng hoặc ngược lại) hoàn toàn có thể gây ra những biến cố tim mạch, đột quỵ, nhất là trên những người có tiền sử bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là do thay đổi nhiệt độ đột ngột gây ra phản xạ co thắt mạch máu, dẫn tới thiếu máu đột ngột, gây nứt vỡ các mảng xơ vữa, dẫn tới tình huống đột quỵ não, nhồi máu cơ tim.
Khi chuyển sang môi trường chênh lệch nhiệt độ có nên mở cửa trước, sau đó bước ra ngoài hoặc hoặc bước vào không?
Khi bước ra từ phòng điều hòa lạnh, chúng ta có thể hé cửa và đứng ngay cạnh cửa để sự thay đổi diễn ra một cách từ từ và cơ thể quen dần, sau đấy mới bước ra ngoài hoặc bước vào thì sẽ an toàn hơn.
Những lưu ý khi bước qua 2 môi trường chênh lệch nhiệt độ?
Để giảm thiểu những nguy cơ xảy ra các biến cố khi thay đổi nhiệt độ môi trường một cách đột ngột, mọi người cần lưu ý những điều sau đây:
Mùa hè, không nên ở trong phòng điều hòa có nhiệt độ quá thấp so với môi trường bên ngoài. Nhiệt độ cách biệt cần nhỏ hơn 10 độ C. Mùa đông cũng vậy.
Khi ra ngoài, nên mở cửa trước để làm quen với môi trường bên ngoài rồi mới bước ra hoàn toàn, như thế sẽ giảm bớt nguy cơ.
Làm gì khi bị đột quỵ mùa lạnh?
Khi thấy người bị đột quỵ, đưa đến bệnh viện sớm sẽ giúp người bệnh được điều trị kịp thời, hạn chế những di chứng về sau. Do đó, ngay khi thấy một ai đó có một trong các dấu hiệu như tê bì một tay, một chân; nói khó, méo miệng; mờ một mắt đột ngột; đau đầu dữ dội thì nên gọi cấp cứu hay đến ngay bệnh viện gần nhất có chuyên khoa điều trị đột quỵ.
Để phòng tránh đột quỵ mùa đông, ngoài việc giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu, cổ thì cần lưu ý việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây sốc nhiệt.
Buổi sáng nên vận động nhẹ nhàng 3-5 phút trước khi xuống giường. Giữ nhiệt độ trong nhà cân bằng, không để xuống thấp dưới 25 độ và cân bằng với nhiệt độ ngoài trời. Uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh. Không tắm trễ cũng như không tắm nước lạnh, sử dụng nước ấm khoảng 37 độ C là phù hợp nhất.
Tăng cường hoạt động thể dục nhẹ nhàng để hỗ trợ sức khỏe tim mạch bởi khi trời lạnh, cơ thể chúng ta phải gắng sức hơn bình thường nhằm giữ nhiệt độ cơ thể ổn định.
Ăn đủ chất, bao gồm đường, protein, đặc biệt là mỡ cũng sẽ giúp cho cơ thể có cơ chất để sinh năng lượng chống rét.
Một lưu ý khác nữa là vào thời điểm thời tiết thay đổi đột ngột, nền nhiệt xuống thấp, những người có sức đề kháng kém khi thấy có các triệu chứng, như: Thở nhanh, hời hợt, tim đập nhanh, đau đầu, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, huyết áp tăng cao hoặc hạ thấp, ngưng đổ mồ hôi… cần đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.