Mùa đông gắn liền với những đồ uống ấm giúp giữ ấm cơ thể từ bên trong và trà là thức uống rất phổ biến. Những tách trà ấm không chỉ giúp đôi tay bạn dễ chịu hơn (khi cầm để nhấm nháp) mà còn rất tốt cho cổ họng và cơ thể. Hơi ấm của trà có thể làm dịu cơn ngứa họng và có thể ngăn chặn sổ mũi...
Dưới đây là 5 loại trà giúp bạn giữ ấm cơ thể trong mùa đông, bạn có thể thêm vào thực đơn hàng ngày:
1. Trà gừng và bạc hà giúp giữ ấm cơ thể trong mùa đông
Trà gừng và bạc hà là một thức uống nhẹ nhàng kết hợp vị cay ấm của gừng với vị tươi mát của bạc hà. Gừng nổi tiếng với đặc tính chống viêm và giúp bạn giảm bớt cảm lạnh và đau họng liên quan đến mùa đông. Kết hợp gừng với bạc hà còn góp phần cải thiện tiêu hóa và có tác dụng làm dịu cơ thể.
Loại trà này cũng thường có sẵn dưới dạng túi lọc. Hoặc bạn cũng có thể tự pha trà gừng và bạc hà.
Nguyên liệu và cách làm: 1 củ gừng tươi nhỉ, thái lát mỏng; lá bạc hà rửa sạch để ráo nước, lặt riêng từng lá nhỏ. Cho gừng đã thái lát và lá bạc hà vào cốc và ủ với nước sôi từ 20 – 30 phút. Bạn có thể cho thêm đường hoặc mật ong vào để dễ uống hơn.
2. Trà masala chai
Đây là loại đồ uống có sự kết hợp của trà đen, các loại gia vị và sữa (nguyên kem hoặc sữa đặc). Gia vị cho trà masala chai cũng có thể thay đổi theo từng vùng, nhưng thường thấy gồm có: Bạch đậu khấu, bột quế, đinh hương, hoa hồi, gừng, ớt, tiêu, nghệ, hạt thì là…
Các loại gia vị có trong masala chai mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ví dụ, gừng hỗ trợ tiêu hóa, trong khi quế giúp bạn giữ ấm bên trong cơ thể…
Cách làm: Theo kiểu truyền thống cho tất cả nguyên liệu vào và nấu lửa nhỏ đến sôi lăn tăn. Sau đó để khoảng 10 phút, lọc lấy trà uống.
3. Giữ ấm cơ thể với trà chanh tiêu đen
Trà chanh tiêu rất hiệu quả trong việc giữ ấm cơ thể mùa đông. Trà có vị chanh thơm mát và vị cay nhẹ của hạt tiêu, không chỉ giúp người dùng sảng khoái mà còn giúp giảm bớt mọi triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm.
Chanh chứa nhiều vitamin C, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, trong khi hạt tiêu đen có đặc tính làm ấm, cần thiết để chống lại thời tiết lạnh giá. Loại trà này còn mang lại tác dụng trẻ hóa, giúp bạn tràn đầy năng lượng suốt cả ngày.
Thành phần và cách làm: 6 hạt tiêu đen (nghiền), đường (tùy ý), 2 thì cà phê cốt chanh. Đun nóng nước, cho đường và tiêu đen vào đun sôi liu riu trong 2-3 phút. Lọc để nguội bớt, thêm cốt chanh vào uống ấm.
4. Trà quế bạch đậu khấu
Là sự kết hợp giữa vị ấm của quế và hương thảo quả xanh, rất hoàn hảo nếu bạn không thích đồ uống cay hoặc có gừng trong đó.
Quế được biết là có đặc tính kháng khuẩn, có thể giúp bạn tránh xa cảm cúm hoặc nhiễm trùng. Bạch đậu khấu không chỉ tạo mùi thơm cho món ăn mà còn chứa chất chống oxy hóa, giúp cải thiện lưu thông máu, làm ấm cơ thể, đặc biệt là trong mùa đông se lạnh. Không chỉ trong thực phẩm, bạch đậu khấu còn có thể được thêm vào trà. Sự kết hợp của các loại gia vị này tạo nên một thức uống không chỉ làm ấm cơ thể mà còn khiến bạn cảm thấy dễ chịu.
Cách làm: Nghiền nát bạch đấu khấu và quế. Đun sôi nước và cho các nguyên liệu này vào. Đun tiếp nhỏ lửa trong 3-5 phút. Lọc rồi thưởng thức.
5. Trà quế hoa cúc
Hoa cúc có tác dụng làm dịu, giảm căng thẳng, giúp bạn ngủ ngon hơn. Quế giúp tăng cường khả năng miễn dịch tốt hơn và có chất chống oxy hóa. Sự kết hợp này khiến cho đồ uống trở nên hoàn hảo trong việc giữ ấm cơ thể và giảm căng thẳng trong những ngày đông ảm đạm.
Cách làm: Đun sôi nước, cho quế và hoa cúc vào, đun liu riu trong 3-5 phút. Lọc uống (có thể cho thêm chút mật ong tùy ý).
Trong khi tất cả các loại trà nóng đều có thể mang lại sự ấm áp, thì các loại trà có gia vị lại vượt trội ở khả năng giữ ấm cơ thể, thơm ngon hơn và còn mang lại cảm giác sảng khoái…
DS. Nguyễn Kim Thủy