Với tâm lý muốn mau hết bệnh, người bệnh bỏ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, tự lên mạng tìm “thần dược”, mẹo dân gian và áp dụng để tự điều trị, khiến đã khổ càng thêm khổ.
Mẹo dân gian chữa bách bệnh?
Bị thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, anh L.H.K. (45 tuổi, ở tỉnh Long An) tập vật lý trị liệu và uống thuốc theo toa của bác sĩ gần 1 năm nhưng cơn đau, mỏi vẫn tái đi tái lại bởi công việc của anh phải khuân vác nặng. Khi được người quen giới thiệu một hội chuyên chữa bệnh xương khớp bằng cây thuốc nam trên Facebook, anh liền vào tìm hiểu.
Ngay khi anh vừa hỏi về bệnh của mình đã có gần 10 tài khoản liên hệ, chia sẻ về “thần dược trị xương khớp của người Dao có thể điều trị hầu hết bệnh liên quan xương khớp như: đau nhức xương, mỏi tê chân tay, thoái hóa cột sống khó đi đứng, thoát vị đĩa đệm, viêm đau dây thần kinh tọa…”. Ban đầu, anh K. không tin tưởng bởi nhìn túi thuốc quá đơn giản, nhưng khi thấy nhiều bình luận cho biết đã khỏi bệnh, anh đã mua về uống thử.
Anh cho biết: túi thuốc khoảng nửa ký, chỉ có 1 loại cây. Người bán nói nhìn giống nhau nhưng có 4 loại thảo dược quý hiếm từ thiên nhiên mà chỉ có người Dao trồng được. Thuốc giúp đào thải chất độc, không gây tác dụng phụ, và không bị tích nước khi uống. Chỉ cần nấu và uống như hướng dẫn, 1 tuần là có hiệu quả. Mỗi túi thuốc 200.000 đồng, mỗi ngày uống 2 túi.
“Tuần đầu tiên tôi giảm đau hẳn, nên hỏi mua thêm vài chục thang nữa. Tuy nhiên, uống đến tháng thứ hai thì người tôi bị sưng phù, thở mệt. Đến bệnh viện khám lại thì mới biết mình bị tác dụng phụ từ cây thuốc” - anh K. nói. Khi được hỏi anh có biết các cây thuốc uống là gì không, anh K. lắc đầu vì… quên hỏi người bán.
Từ khi bị đột quỵ não, bà N.T.O. (65 tuổi, ở quận 5) yếu liệt nửa người phải. Thương mẹ, anh Trần Văn Hùng (40 tuổi, con bà O.) lên mạng tìm cách trị bệnh cho bà. Trong lúc tìm kiếm, anh Hùng thấy một chia sẻ về cách chích đầu ngón tay điều trị yếu liệt do đột quỵ nên vào tham khảo. “Tôi thấy người chia sẻ rất tâm huyết, nói đã điều trị cho hơn 100 người, 90% phục hồi tốt. Họ không lấy tiền mà nói chỉ muốn giúp người nên tôi càng tin” - anh Hùng kể.
Mong muốn trở lại bình thường, bà O. cố gắng chịu đau để con mình điều trị. Bà nói, ban đầu thấy tay có cảm giác, sau đó các ngón tay nóng ấm, có sức, chân cũng không tê nhiều như trước nên rất hy vọng. Thế nhưng qua 2 tuần chích máu, bà không thể chịu nổi vì 10 đầu ngón tay, chân đều sưng tấy, đau nhức, dù có đắp lá trà lên vết thương như hướng dẫn. Vì vậy gia đình đưa bà đến Bệnh viện Đại học y dược TPHCM khám. Tại đây, bác sĩ tư vấn bà cần ngưng ngay phương pháp chích máu, tuân thủ chỉ định sử dụng thuốc và tái khám bệnh đột quỵ theo lịch hẹn.
Những mẹo không được kiểm chứng rất nguy hiểm
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ (Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Đại học y dược TPHCM cơ sở 3) cho biết, thực tế, một số mẹo dân gian có thể hiệu quả nếu bệnh ở mức độ nhẹ nhưng không đảm bảo an toàn, hiệu quả cho mọi người. Các mẹo chữa bệnh dân gian như chích đầu ngón tay cấp cứu đột quỵ, uống lá cỏ chữa trị ung thư hay 1 loại cây được cho là thảo dược điều trị cùng lúc nhiều bệnh xơ gan, viêm gan, u xơ, u nang tử cung, bệnh liên quan xương khớp… là rất nguy hiểm.
Trong đông y, đột quỵ gây ảnh hưởng tạng can, làm tay chân không có sức, cùng với can khí uất kết gây tình trạng yếu liệt nửa người, tình trạng này thuộc phạm vi chứng trúng phong. Nhiều người cho rằng cắt đầu ngón tay sẽ khai thông khí huyết cho bệnh nhân, nhưng cách này có nhiều nguy cơ làm bệnh trầm trọng hơn. Thậm chí, người bệnh mất đi thời gian vàng điều trị, nguy hiểm đến tính mạng.
Về sử dụng các loại thảo dược, dù có hiệu quả cũng chỉ phù hợp với một số bệnh cảnh, trong 1 giai đoạn, liều lượng trên từng người bệnh nhất định. Nếu người bệnh cứ nghe hay rồi mang về uống mà không được khám, kê đơn của bác sĩ thì khó mang lại kết quả tốt. Thực tế, đã có người bệnh bị hội chứng Cushing do dùng thảo dược có thành phần corticoid trong thời gian dài hay tổn thương đa cơ quan vì uống sai thuốc, nhiễm trùng hoại tử bởi tin tưởng người quen đắp lá thuốc, bôi thuốc không rõ nguồn gốc lên vết thương hở, bó thuốc điều trị gãy xương…
“Điều trị bệnh theo phương pháp đông y được xây dựng dựa trên lý thuyết y học, có hệ thống và nghiên cứu, hiệu quả. Lương y, bác sĩ phải trải qua quá trình đào tạo bài bản, có giấy phép hành nghề… Mỗi bài thuốc trong đông y phải được cân nhắc, điều trị cho một cá thể người bệnh, trên cơ sở chẩn đoán rõ ràng chứ không sử dụng đại trà như các mẹo dân gian truyền miệng. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa mẹo dân gian và đông y trong điều trị bệnh.
Vì vậy, khi áp dụng những phương pháp trị bệnh theo dân gian, cần phải có kiến thức, kỹ năng và hiểu biết sâu về các phương pháp này. Đồng thời, cần tham khảo ý kiến và hướng dẫn từ các chuyên gia y tế” - bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ nhấn mạnh.
Theo Phụ nữ