Lý Do Mụn Mọc Nhiều Ở Cằm

Mụn ở cằm dễ hình thành do hay đưa tay lên mặt, rối loạn nội tiết tố, căng thẳng kéo dài và thường xuyên đeo khẩu trang.

Mụn ở vùng cằm thường gặp ở phụ nữ, tạo cảm giác khó chịu, mất thẩm mỹ. Dưới đây là những nguyên nhân gây mụn và cách cải thiện.

Nội tiết tố

Mụn nang có thể xuất hiện dọc theo cằm và quai hàm do rối loạn nội tiết tố. Nồng độ hormone tăng cao trong giai đoạn dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt hoặc mãn kinh có thể dẫn đến tăng sản xuất bã nhờn.

Bã nhờn là chất nhờn dày được tạo thành từ các axit béo, đóng vai trò giữ ẩm và bảo vệ da. Khi cơ thể tiết quá nhiều chất nhờn, lỗ chân lông dễ bị tắc nghẽn và hình thành mụn.

Căng thẳng

Căng thẳng giải phóng hormone cortisol. Quá nhiều cortisol có thể làm tăng tình trạng viêm và da nhạy cảm, dễ sinh mụn trứng cá. Khi căng thẳng, tuyến bã nhờn cũng tiết ra nhiều dầu hơn, góp phần gây ra mụn đầu trắng và mụn đầu đen.

 

Mắc hội chứng buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang xảy ra khi buồng trứng sản xuất quá nhiều hormone androgen. Người mắc hội chứng này có thể xuất hiện các nốt mụn nang dưới da dọc theo 1/3 dưới khuôn mặt, thường bùng phát trong thời kỳ kinh nguyệt và một thời gian dài mới biến mất.

Các đặc điểm nhận biết khác gồm chu kỳ không đều, lông mặt phát triển quá mức so với bình thường và u nang buồng trứng.

Đeo khẩu trang

Khẩu trang vẫn là vật dụng cần thiết để bảo vệ sức khỏe, nhất là với người bị suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên đeo khẩu trang thường xuyên góp phần gây ra mụn trứng cá. Do ma sát của sợi vải khi đeo trong thời gian dài làm tắc nghẽn nang lông.

Ngoài ra, không khí nóng và mồ hôi cũng là tác nhân tạo môi trường ẩm ướt cho vi khuẩn phát triển, gây viêm và mẩn đỏ. Khi mức độ viêm và số lượng vi khuẩn tăng lên, tổn thương do mụn nhỏ hơn có thể trở thành mụn nang ở cằm.

Thường chạm tay vào cằm

Vùng cằm thường là khu vực dễ chạm vào, khiến bụi bẩn bám lại trên da và hình thành mụn. Bàn tay, mồ hôi của người có làn da dầu còn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Rửa mặt sáng và tối bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ để loại bỏ dầu thừa và bụi bẩn trên da. Các thành phần như axit salicylic, axit glycolic, benzoyl peroxide giúp phá vỡ liên kết giữa các tế bào da chết, loại bỏ chúng khỏi bề mặt da và hòa tan dầu thừa mà không làm mất cân bằng độ pH.

Có thể dùng retinol để cải thiện mụn ở cằm do thay đổi nội tiết tố. Hoạt chất này có thể làm thông thoáng lỗ chân lông, ngăn mụn trứng cá, giảm đốm đen và quầng thâm. Chuyên gia da liễu khuyến nghị người da khô có thể dùng retinol với nồng độ 0,25% và 0,5% cho da dầu hoặc ít nhạy cảm hơn.

Những vết mụn sưng cứng, không có đầu là dấu hiệu cho thấy da cần cấp ẩm. Vết thâm ở cằm bong tróc cảnh báo tình trạng mất nước và kích ứng. Trường hợp này nên giảm các hoạt chất mạnh như benzoyl peroxide và retinol cho đến khi da dịu xuống. Thay vào đó, kết hợp các thành phần dưỡng ẩm nhẹ, không chứa dầu như axit hyaluronic hoặc niacinamide có thể giảm viêm, bổ sung độ ẩm.

 

Theo Vnexpress