Người Bị Cảm Cúm Nên Ăn Những Loại Hoa Quả Hỗ Trợ Hệ Miễn Dịch Sau

Khế, lê, chanh, cam và dưa hấu giàu vitamin C, giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ điều trị cúm.

Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, trái cây cung cấp vitamin C - một chất quan trọng đối với cơ thể, bổ sung năng lượng và tăng cường hệ miễn dịch.

Khi bị cảm cúm, rất cần bổ sung vitamin C. Ăn nhiều trái cây giàu C sẽ hỗ trợ điều trị hiệu quả.

Khế

Trong múi khế có các chất đường, hàm lượng oxalat axit 1% và nhiều yếu tố vi lượng khác (kali, canxi, sắt, phospho, vitamin như A, C, B1, B2, P). Ngoài ra còn có các hợp chất thực vật lành mạnh như axit gallic, quercetin và epicatechin có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ.

Trong y học cổ truyền, quả khế có vị chua ngọt, có tính sáp bình, không độc. Để chữa sổ mũi, đau họng, dùng 90-120 g quả khế tươi, ép lấy nước uống.

Tuy nhiên, quả khế có thể gây ra tác dụng phụ ở một số người, chủ yếu do hàm lượng oxalat cao. Đối với những người có vấn đề về thận, việc ăn khế thường xuyên có thể dẫn đến tổn thương thận cũng như độc tính của khế có thể gây ra các vấn đề về thần kinh như lú lẫn, co giật, thậm chí tử vong.Vì vậy, những người có vấn đề về thận nên tránh ăn khế và sử dụng nước ép. Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thử.

Những người dùng thuốc theo toa cũng nên thận trọng khi ăn khế. Tương tự bưởi, khế có thể ảnh hưởng đến sự phân hủy và sử dụng thuốc của cơ thể. Do vậy, cần hỏi ý kiến bác sĩ nếu đang dùng các thuốc nào khác.

khe-6345-1708333874.jpg

Kết quả một số nghiên cứu trên động vật chứng minh rằng lượng đường trong khế có thể làm giảm viêm. Ảnh: Freepik

Lê có tác dụng trị ho, tiêu đờm, nhuận phổi, giáng hỏa, sinh tân dịch, dưỡng huyết, chữa khản tiếng...

Trong quả lê chứa protein, lipid, cenlulose, canxi, phốt pho, sắt, caroten, vitamin B1, B2, C, đường gluco, axit acetic... Việc ăn lê thường xuyên có tác dụng tốt trong điều trị bệnh cao huyết áp, tim mạch (dẫn tới váng đầu hoa mắt, ù tai), lao phổi, viêm phế quản cấp tính.

Bài thuốc: lê tươi một quả, xuyên bối mẫu 3 g. Quả lê cắt phần đầu cuống thành cái nắp, bỏ ruột, cho xuyên bối mẫu vào đậy nắp lại, cắm tăm tre cho chặt nắp, đựng vào bát, đem hấp cách thủy 1-2 giờ. Vừa uống nước, vừa ăn thịt lê, mỗi ngày một lần, giúp chữa ho và cảm mạo.

Lê có tính hàn nên người bị đau bụng, đi tiêu lỏng không nên dùng. Không ăn lê bị dập nát để tránh mắc bệnh đường ruột.

le-3071-1708333874.jpg

Quả lê có nhiều công dụng trị bệnh. Ảnh: Freepik

Chanh

Chanh ta, hay chanh giấy, thuộc họ Cam quýt (Rutaceae). Một số nghiên cứu hiện đại cho thấy chanh rất giàu vitamin C và những chất chống oxy hóa thuộc nhóm flavonoid (polymethoxylated flavones trong chanh nhiều gấp 20 lần rau quả thông thường). Do đó chanh có chức năng giải độc, bảo vệ thành mạch, tăng cường hệ miễn dịch và hạn chế tác hại của những gốc tự do để làm chậm sự lão hóa.

Liều lượng được khuyên dùng là một cốc nước chanh đặc (250 ml) mỗi ngày. Có thể pha loãng phần nước chanh này ra để thuận tiện cho việc uống nhiều lần trong ngày.

Múi chanh phối hợp với muối ăn dùng ngậm chữa ho viêm họng. Khi bị cảm nóng, phiền khát, dùng 30 ml nước chanh hòa nước uống. Để cải thiện tình trạng ho nhiều đờm, có thể dùng 2 quả chanh thái vụn, tra đường phèn vừa phải, hấp cách thủy ăn.

Bài thuốc xông chữa cảm cúm, nhức đầu: Lá chanh, lá bưởi, lá tre, cúc tần, hương nhu mỗi thứ 50 g, bạc hà 20 g, sả 2 củ, tỏi 3 nhánh. Tất cả dùng tươi cho vào nồi nấu nước sôi, xông cho đổ mồ hôi.

Dù chanh có nhiều công dụng nhưng lạm dụng nước chanh gây loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, đau đầu, gây mất nước, thừa vitamin C... Axit citric có trong nước chanh có khả năng làm mòn men răng và khô lưỡi, miệng. Vì vậy cần dùng ống hút để uống nước chanh và súc miệng với nước sạch sau khi uống.

chanh-8288-1708333875.jpg

Liều lượng được khuyên dùng là 1 cốc nước chanh đặc (250ml)/ngày. Ảnh: Freepik

Cam

Cam thuộc họ cam quýt, Mỗi 100 g quả cam có chứa: 87,6 g nước, 104 mg carotene - một loại vitamin chống oxy hóa, 30 mg vitamin C, 93 mg kali, 26 mg canxi, 9 mg magnesium, 0,3 g chất xơ, 4,5 mg natri, 7 mg chromium, 20 mg phốt pho, 0,32 mg sắt, giá trị năng lượng là 48 kcal. Không chứa chất béo hay cholesterol.

Trên thực tế, hàm lượng vitamin C chỉ chiếm 15-20% tổng số các chất kháng oxy hóa trong cam, trong khi những hợp chất khác có khả năng chống oxy hóa cao gấp 6 lần vitamin C: hesperidin từ flavanoid có nhiều trong lớp vỏ xơ trắng, màng bao múi cam và một ít trong tép, hạt cam.

Hàm lượng vitamin C rất cao trong cam có thể hỗ trợ kích thích sản xuất các tế bào trắng. Từ đó tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Cam được chứng minh là loại quả có tác dụng chống viêm, chống khối u, ức chế đông máu và chống oxy hóa mạnh. Nước cam cũng chứa lượng vitamin A, đồng, folate và thiamine (vitamin B1) các chất dinh dưỡng khác giúp các hoạt động của hệ thống miễn dịch luôn ở trạng thái tốt nhất, giúp cơ thể chống lại sự tấn công từ bên ngoài cơ thể.

Tuy nhiên, nên dùng nước cam đúng cách để đạt được hiệu quả trong hỗ trợ điều trị bệnh. Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng hay viêm tuyến tụy không nên dùng nước cam. Không nên uống nước cam vào buổi tối, ngay trước hoặc sau khi uống sữa. Đồng thời tránh uống nước cam khi đang dùng thuốc, nên nên uống nước cam trước hoặc sau khi uống thuốc 1-2 giờ.

cam-jpeg-1708333199-8984-1708333875.jpg

Nên dùng nước cam đúng cách để đạt được hiệu quả trong hỗ trợ điều trị bệnh. Ảnh: Freepik

Dưa hấu

Trong dưa hấu có 52% ăn được, 49,7% nước, 0,6% protid, 1,3% gluxit, 03% xenluloza, 4,2 mg% canxi, ngoài ra còn có sắt, phospho, caroten, các vitamin B1, B2, PP, C.

Theo y học cổ truyền, vỏ dưa hấu vị ngọt, tính hơi hàn, tác dụng thanh thử, giải nhiệt, lợi tiểu, dùng trong trường hợp huyết áp cao, tiểu buốt, cảm sốt, phiền khát, viêm thận...

Để chữa cảm sốt, đầu váng, hoa mắt, nhiều mồ hôi, sử dụng 20 g tây qua bì (vỏ ngoài quả dưa hấu), 20 g hoa hay cành kim ngân, 10 g trúc diệp, 500 ml nước, đun sôi, giữ15 phút. Chia 3 lần uống trong ngày.

Cần chữa cảm mạo, họng đau rát, dùng 30 g vỏ dưa hấu. Đổ 2 bát nước, sắc còn một bát. Chia uống ngày 2 lần.

Sử dụng một cốc to nước ép dưa hấu, uống vài lần, có thể chữa cảm nóng.

Dưa hấu giúp giải khát tốt nhưng không nên ăn quá nhiều trong một lần, nhất là đối với người tì vị hư hàn (tì vị yếu, lạnh).

du-a-ha-u-jpeg-1708333331-8599-1708333875.jpg

Sử dụng một cốc to nước ép dưa hấu, uống vài lần, có thể chữa cảm nóng. Ảnh: Freepik

Theo Vnexpress