Ngày nay, hoa quả nhập khẩu không còn là hàng hoá xa lạ với người tiêu dùng bởi nó không chỉ được bán tại các siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng nhập khẩu, trung tâm thương mại với mức giá “tiền triệu” như trước đây mà còn được bán trong các quầy hàng ở chợ, trang mạng xã hội với lời quảng cáo là hoa quả xách tay, nhập khẩu chính ngạch kèm cả hình ảnh tem nhãn. Tuy nhiên thực tế những loại hoa quả nhập khẩu này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đơn cử, hành vi gian dối về nguồn gốc xuất xứ lê Hàn Quốc của các cửa hàng bán trái cây nhập khẩu lần lượt bị cơ quan quản lý thị trường làm rõ khi tiến hành kiểm tra.
Trong những ngày qua, bằng camera giấu kín, VTV tiếp tục ghi được những hình ảnh cho thấy, tình trạng gian dối nguồn gốc xuất xứ lê Hàn Quốc vẫn đang tiếp diễn tại một số cửa hàng bán trái cây nhập khẩu trên địa bàn TP Hà Nội, dù hành vi này đã nhiều lần được cơ quan quản lý thị trường xử lý.
Hành vi gian dối về nguồn gốc xuất xứ lê Hàn Quốc của các cửa hàng bán trái cây nhập khẩu bị phát hiện. Ảnh: VTV
Ghi nhận tại cửa hàng bán trái cây nhập khẩu tại đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, vì là một trong những loại trái cây ngoại được ưa chuộng tại thị trường trong nước, nên người bán quảng cáo lê Hàn không thiếu, mà có đủ loại được bày trên kệ để khách hàng chọn mua.
Những trái lê tương tự cũng đang được bày bán tại nhiều cửa hàng trái cây nhập khẩu khác, với mức giá trên dưới 200.000 đồng/kg. Trên mỗi trái lê bày trên kệ đúng là đều có tem mác in chữ nước ngoài, nhưng những hoài nghi của khách hàng về nguồn gốc thực sự của những trái lê này chỉ bắt đầu kể từ khi đặt mua cả hộp cỡ lớn. Vì trên vỏ hộp thể hiện xuất xứ của loại trái cây này không phải ở Hàn Quốc. Đến khi cơ quan quản lý thị trường có mặt truy xét nguồn gốc trái cây tại cửa hàng đang bán, sự thật bắt được nhân viên thừa nhận.
Hành vi gian dối về nguồn gốc xuất xứ lê Hàn Quốc của các cửa hàng bán trái cây nhập khẩu lần lượt bị cơ quan quản lý thị trường trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Ba Đình làm rõ khi tiến hành kiểm tra và dường như các cửa hàng đều có chung một kịch bản để đối phó nhằm chối bỏ trách nhiệm của mình.
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc, hành vi giả mạo xuất xứ lê Hàn vẫn tái diễn. Các đối tượng thiết kế tem mác ngày càng tinh vi hơn, giống với nhãn mác lê Hàn để khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn. Không chỉ bày bán tại cửa hàng, lê Hàn Quốc bị giả mạo xuất xứ còn đang được rao bán trên mạng Facebook hay các sàn thương mại điện tử. Đây thực sự là một thách thức trong công tác kiểm soát của cơ quan quản lý thị trường, vì việc giao dịch mua bán đều diễn ra qua mạng.
"Ngoài việc dựa vào ticker này, có một cách khác để phân biệt có đúng là lê Hàn hay không, người mua phải dựa vào mã QR này. Khi quét mã sẽ dẫn đến trang web giới thiệu sản phẩm như thế này. Còn nếu không phải là sản phẩm của chúng tôi thì khi quét mã sẽ không thể link đến trang web có logo Kpear của chúng tôi được", ông Hong Kiok, Tham tán nông nghiệp Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết.
Sau khi kiểm tra, toàn bộ số lê giả mạo xuất xứ Hàn Quốc đều bị cơ quan quản lý thị trường tiến hành thu giữ, niêm phong để tiếp tục làm rõ về về hành vi kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ và giả mạo xuất xứ của những cửa hàng này.
Liên quan tới tình trạng gian dối nguồn gốc xuất xứ trái cây nhập khẩu, theo cơ quan quản lý thị trường, hoa quả nhập khẩu chính ngạch cần đầy đủ giấy tờ như giấy chứng nhận chất lượng, khối lượng lô hàng của cơ quan quản lý nông nghiệp các nước, tờ khai hải quan khi xuất khẩu, giấy chứng nhận kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu của Chi cục Kiểm dịch thực vật trong nước và tờ khai hải quan khi nhập khẩu... Thế nhưng chẳng có ai kiểm chứng những cam kết của người bán có chính xác hay không và người tiêu dùng khi chỉ mua một vài kg hoa quả cũng không dám hỏi người bán giấy tờ chứng minh nhập khẩu. Vì lợi nhuận, nhiều cửa hàng sẵn sàng trộn lẫn sản phẩm Trung Quốc và dán các loại tem, nhãn mác giả.
Điển hình như vài tháng trước, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử phạt và tiêu hủy hàng loạt hoa quả mang nhãn mác nước ngoài nhưng không có hóa đơn chứng minh xuất xứ. Cửa hàng kinh doanh hoa quả nhập khẩu “Huyền Long Biên” ở địa chỉ 39 phố Hồng Hà (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) đã bị Đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra và thu giữ 120 kg hoa quả nhập khẩu nhưng không xuất trình được chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm không có nhãn phụ theo quy định, trị giá hàng hóa 9,9 triệu đồng.
Cũng trong thời gian đó, Đội Quản lý thị trường số 17 đã tạm giữ 355 kg hoa quả “nhiều không” (không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng sản phẩm...), gồm 54 kg nho sữa, 36 kg quýt, 58 kg táo, 72 kg hồng táo, 12 kg mận Mỹ, 20 kg kiwi, 38 kg lựu... Đội Quản lý thị trường số 13 đã kiểm tra cơ sở kinh doanh trái cây Fresh Fruits tại địa chỉ số 160 Trung Kính (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), phát hiện cơ sở bày bán dưa lưới Nhật Bản và lựu Peru nhưng không có hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật...
Đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội khuyến cáo, người tiêu dùng nên cẩn trọng và cần kiểm tra kỹ thông tin về hoa quả nhập khẩu để tránh mua phải những mặt hàng không rõ nguồn gốc, chất lượng kém.
Quy định về xuất xứ hàng hoá Theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định về xuất xứ hàng hoá được quy định như sau: Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau: “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa. Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt. Như vậy, theo quy định của Việt Nam thì tất cả hàng hóa khi đã được xuất hay nhập khẩu lưu hành tại Việt Nam đều phải ghi nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; nếu không xác định được xuất xứ hàng hoá là từ đâu thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. |
An Dương (T/h)