Tuổi Trẻ Online giới thiệu chia sẻ của thạc sĩ Trần Xuân Tiến về những hành động "đu trend" lập dị liên tục xảy ra gần đây.
"Đu trend" là một hành động nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo. Để "đu trend" không lập dị, không ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, không vi phạm đạo đức, pháp luật.... cần phải có nhiều kỹ năng.
Trào lưu này vừa hạ nhiệt, trào lưu mới xuất hiện
Trong bối cảnh mạng xã hội trở thành một phần thiết yếu không thể thiếu đối với cuộc sống của người trẻ hiện đại, trào lưu mạng từ lâu đã trở nên quen thuộc. Một trào lưu vừa có vẻ hạ nhiệt đã có trào lưu mới xuất hiện, nhanh chóng thay thế và chiếm sóng trên các mạng xã hội.
Nhìn từ góc độ giải trí, các trào lưu mạng xã hội là nơi để người trẻ thư giãn, xả stress, thỏa sức sáng tạo, thể hiện cá tính với những ý tưởng độc đáo mới lạ.
Nhìn từ góc độ kinh doanh hoặc truyền thông, các trào lưu mạng xã hội có nguồn gốc sâu xa là các chiến dịch marketing, quảng bá cho một thương hiệu, nhãn hàng; hoặc do các nhân vật có tầm ảnh hưởng khởi xướng để tạo thêm điểm nhấn cho thương hiệu cá thân.
Có nhiều nguyên nhân khiến người trẻ thích hưởng ứng theo các trào lưu mạng xã hội.
Đó là đáp ứng nhu cầu giải trí; cảm thấy được chia sẻ cảm xúc (được lắng nghe, được đồng cảm); được bạn bè khen ngợi, yêu mến (với các tương tác như like, thả tim, chia sẻ, bình luận); được thuộc về một nhóm/tổ chức có cùng sở thích, chuyên môn; thỏa mãn nhu cầu phát biểu quan điểm (bức xúc, phản ánh) hoặc cơ hội trở thành người nổi tiếng.
Và đặc biệt không cảm thấy bản thân ngoài cuộc chơi, không sống chậm so với bạn bè, đồng nghiệp.
Không chỉ đáp ứng các nhu cầu của cá nhân người dùng, các trào lưu mạng xã hội còn có nhiều lợi ích tích cực đối với cộng đồng. Nhờ tính tương tác nhanh chóng, sự lan tỏa rộng khắp của mạng xã hội, nhiều trào lưu giúp công chúng tăng cường nhận thức, lan tỏa suy nghĩ tích cực, xây dựng phong cách sống thiện lành.
Thông qua các trào lưu mạng xã hội, nhiều thông điệp truyền thông tích cực có thể dễ dàng tiếp cận và truyền cảm hứng đến lượng lớn người xem.
Tá hỏa với nữ du khách lao ra đầu tàu hỏa tạo dáng chụp ảnh ở phố cà phê đường tàu
Sống ảo, chết thật
Tuy vậy bên cạnh việc mang lại những lợi ích, cơ hội, các trào lưu mạng xã hội cũng đặt ra những thách thức, nguy cơ cần phải được công chúng nhận thức đầy đủ và các cơ quan hữu quan lưu ý kiểm soát, định hướng.
Gần đây dư luận xã hội đã vô cùng bất bình, phẫn nộ với việc liên tiếp nhiều cá nhân, hoặc nhóm người ngang nhiên chiếm dụng lòng đường để quay video clip câu view, sống ảo với các tiết mục múa, tập thể dục thể thao hoặc ngồi thiền yoga.
Trào lưu này được xem là cùng hệ với những trào lưu "check-in sống ảo" khác như chụp ảnh tại những nơi độc, lạ (vách núi, nóc nhà...); vừa chụp ảnh vừa thực hiện những động tác nguy hiểm.
Sống ảo nhưng chết thật là lời cảnh báo được đưa ra cho những trào lưu nguy hiểm kiểu này.
Các trào lưu như khoe ảnh cũ "10 năm trước", so sánh ngày ấy bây giờ "dậy thì thành công" cũng từng được các chuyên gia công nghệ lên tiếng quan ngại về việc có thể là một hình thức để các nhà mạng thu thập thông tin người dùng nhằm phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt bằng trí tuệ nhân tạo (AI).
Hoặc như trào lưu tạo ảnh hoạt hình anime bằng ứng dụng AI cũng từng được khuyến cáo về những nguy cơ tiềm ẩn đối với an toàn mạng.
Cũng có nhiều trào lưu vô thưởng vô phạt, khiến người tham gia tiêu tốn thời gian vô ích, ảnh hưởng đến học tập, công việc.
Đành rằng việc sử dụng thời gian là quyền cá nhân của mỗi người, nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta dành thời gian để đầu tư phát triển bản thân thay vì "đu trend" một cách mù quáng. Hậu "đu trend", nhiều người thừa nhận cảm thấy nuối tiếc thời gian cho những điều vô bổ.
Hay trào lưu chế ra các món ăn, món uống độc lạ cũng khiến người xem không khỏi rùng mình.
Cách thức chế biến món ăn càng độc lạ thì càng khiến công chúng quan tâm, thậm chí làm theo nhưng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe nếu như không dựa trên cơ sở khoa học. Các chuyên gia dinh dưỡng y tế đã phải liên tục lên tiếng về các trào lưu xấu, độc này.
Hoặc trong một số trường hợp, "đu trend" cũng khiến chúng ta bị thao túng tâm lý mà hùa theo đám đông, dễ phản ứng tiêu cực thái quá. Điều này không chỉ thể hiện sự mất lập trường trong nhận thức, hành vi cá nhân, mà còn có thể dẫn đến nguy cơ khiến chúng ta trở thành những anh hùng bàn phím.
Rõ ràng nhiều trào lưu mạng xã hội thiếu lành mạnh đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử của giới trẻ.
Mong rằng với sự chung tay của các cơ quan quản lý, các nhà phát triển nền tảng, và của công chúng, chúng ta sẽ tận dụng những tiềm năng tích cực của các trào lưu mạng xã hội; đồng thời hạn chế tối đa những tổn hại, tiêu cực.
Từ đó xây dựng một môi trường không gian mạng xã hội phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững.