Cử tri quận Hai Bà Trưng mới đây đã có kiến nghị sớm thực hiện không gian phố đi bộ xung quanh khu vực hồ Thiền Quang và Công viên Thống Nhất. Đồng thời, cần có quy hoạch hạ tầng giao thông, điểm vận tải hành khách công cộng, phân khu vực kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ăn uống, giải trí khoa học, hợp lý và có sự tham khảo, đóng góp ý tưởng, công sức của Nhân dân.
Trả lời vấn đề này, UBND TP Hà Nội cho biết, Đề án tổ chức không gian phố đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang gắn với phát huy giá trị cụm di tích chùa Quang Hoa, Thiền Quang, Pháp Hoa đã được Thành ủy, UBND TP quan tâm chỉ đạo và đưa vào Chương trình công tác số 03- Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy, Chương trình hành động số 14/Ctr-UBND ngày 19/01/2021 của UBND TP với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của TP giai đoạn 2021 - 2021.
Vừa qua, Đề án đã được Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xem xét trên cơ sở đề xuất của Sở Văn hóa & Thể thao và UBND quận Hai Bà Trưng. Ngày 23/8/2022, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 2748/UBND-QLĐT thống nhất chủ trương lập Đề án.
Theo đó, phạm vi tổ chức không gian phố đi bộ gồm 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1 gồm đoạn tuyến phố Trần Nhân Tông (từ nút giao với phố Quang Trung đến ngã 3 Trần Bình Trọng), trục chính công viên Thống Nhất (đoạn từ cổng công viên đến hồ Bảy Mẫu) và toàn bộ khu vực công viên, cây xanh hồ Thiền Quang; tổng chiều dài dự kiến khoảng 1,6km; tổng diện tích đất sử dụng khoảng 1,1ha trong đó có khoảng 0,48ha mặt nước.
Giai đoạn 2 sẽ được mở rộng các tuyến phố xung quan hồ Thiền Quang (gồm Quang Trung, Nguyễn Du, Trần Bình Trọng) và vùng phụ cận (kết nối các tuyến phố lân cận, khu biểu diễn và trung tâm thương mại).
Mục tiêu của Đề án nhằm phát huy giá trị không gian văn hóa, lịch sử của các di tích; Xây dựng và duy trì không gian văn hóa, biểu diễn nghệ thuật ẩm thực mang tính cộng đồng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa và vui chơi giải trí của người dân và khách thăm quan; Kết nối khu vực vườn hoa, cây xanh đường dạo xung quanh hồ Thiền Quang, đường Trần Nhân Tổng với trục phía Bắc của Công viên Thống Nhất thành không gian đi bộ hoàn chỉnh, bổ trợ chức năng giao lưu, giao tiếp cộng đồng, dịch vụ thương mại... đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.
Để thực hiện Đề án, UBND TP Hà Nội yêu cầu trong thời gian tới, UBND quận Hai Bà Trưng cần tổ chức tham khảo ý kiến cộng đồng để có sự đồng thuận của Nhân dân tại khu vực cũng như chuẩn bị, hoàn chỉnh phương án phân luồng giao thông, tổ chức các điểm, vị trí trông giữ xe, phương tiện vận tải.
Bên cạnh đó, để duy trì tuyến phố thành một điểm vui chơi giải trí gắn với văn hóa tại tuyến phố đi bộ, UBND quận Hai Bà Trưng cũng cần có phương án tổ chức các hoạt động thương mại, loại hình vui chơi giải trí cùng với hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú, tiếp tục đổi mới để tạo sức hút Nhân dân Thủ đô tham gia thường xuyên.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP, UBND quận Hai Bà Trưng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với Đề án “Tổ chức không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang gắn với phát huy giá trị cụm di tích chùa Quang Hoa, Thiền Quang, Pháp Hoa”. Sau khi tổng hợp ý kiến, hoàn thiện Đề án, UBND quận sẽ trình UBND TP Hà Nội phê duyệt.
Theo nhiều chuyên gia, cùng với việc xây dựng phát triển đô thị, việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, mua bán của Nhân dân cũng như tạo không gian mở tạo không gian vui chơi cho giới trẻ là việc làm hết sức cần thiết.
Việc tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang (theo hướng kết nối toàn bộ các khu vực vui chơi giải trí xung quanh hồ gắn với Công viên Thống Nhất tạo thành một chỉnh thể để bổ trợ chức năng, cộng hưởng giá trị, tạo sự gắn kết giữa 2 không gian) sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách đến tham quan, thưởng ngoạn, du lịch văn hóa và mua sắm, ẩm thực,…
Bên cạnh đó còn phát huy tiềm năng giá trị văn hóa lịch sử của khu vực, kích cầu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế quận Hai Bà Trưng và Thủ đô Hà Nội, trong đó, phát triển mô hình kinh tế về đêm. Nâng cao giá trị tôn giáo tín ngưỡng của cụm di tích chùa Quang Hoa, chùa Thiền Quang, chùa Pháp Hoa sau khi được cải tạo, đồng thời, cũng làm tăng giá trị cảnh quan của hồ Thiền Quang.