Mỗi ngày, lượng đường nạp vào cơ thể phù hợp đối với phụ nữ là 24g và đối với nam là 36g. Việc sử dụng nhiều đường hơn mức cho phép sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Trong đó chế độ ăn uống đóng một vai trò rất lớn đối với sức khỏe của chúng ta. Ví dụ, một số loại đồ uống có thể khiến chúng ta dễ tăng cân hoặc phát triển cholesterol cao. Tuy nhiên, những gì chúng ta uống có thể có những tác động tiêu cực không kém.
Theo nhà dinh dưỡng học Rory Batt, từ công ty chuẩn bị bữa ăn Marvin's Den, đồ uống chứa nhiều đường có thể là một trong những thủ phạm gây ra cục máu đông do ảnh hưởng của chúng đến mức cholesterol.
Cục máu đông là những cục máu nhỏ đã hình thành một chất giống như gel. Mặc dù chúng cần thiết để giúp ngăn chảy máu quá nhiều khi bạn bị đứt tay, nhưng những chất này không tan tự nhiên có thể gây nguy hiểm. Và nếu chúng di chuyển đến các cơ quan như phổi hoặc tim thì đây là nguyên nhân đáng lo ngại.
Đồ uống chứa nhiều đường có thể gây hình thành cục máu đông. Ảnh minh họa
Ông Batt giải thích tại sao đường có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông như sau: "Thực phẩm có đường cũng dẫn đến xơ vữa động mạch như những chất béo. Đường không chỉ làm tăng cholesterol lipoprotein mật độ thấp ( cholesterol xấu) mà còn mang lại nhiều căng thẳng oxy hóa và viêm, khiến lipoprotein mật độ thấp hình thành lipoprotein mật độ thấp bị oxy hóa (oxLDL có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch). Cũng như chất béo, tình trạng viêm thúc đẩy các quá trình như kết tập tiểu cầu, đó là cách hình thành cục máu đông. Sự kết tập tiểu cầu là một trong những yếu tố liên quan đến xơ vữa động mạch, và là nguyên nhân dẫn đến tắc nghẽn và cục máu đông".
Phòng khám Cleveland cũng nói rằng đường có thể làm tăng mức cholesterol xấu, cụ thể là: "Chế độ ăn nhiều đường làm cho gan của bạn tổng hợp nhiều cholesterol LDL (lipoprotein mật độ thấp - cholesterol xấu) và làm giảm cholesterol HDL (lipoprotein mật độ cao - cholesterol tốt) của bạn".
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng đã chỉ ra những nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ giữa cholesterol và huyết khối tĩnh mạch (VTE), xảy ra khi cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch. Theo đó, cholesterol LDL - còn gọi là cholesterol xấu - được biết là làm thu hẹp các động mạch, có thể dẫn đến các cơn đau tim và đột quỵ.
Liên quan tới đồ uống chứa nhiều đường, trước đó theo nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Harvard, những người uống nhiều nước ngọt có hàm lượng calo cao như nước trái cây và cola có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu giai đoạn từ năm 22 – 26 tuổi của 192.000 người (gồm cả nam và nữ). Các dữ liệu này được lấy từ ba nghiên cứu dài hạn: Nurses’ Health Study, Nurses’ Health Study 2 và Health Professionals’ Follow-up Study.
Kết quả, các nhà nghiên cứu thấy rằng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 tăng 16% nếu uống khoảng 114g (4 ounces) đồ uống có hàm lượng calo cao mỗi ngày trong vòng 4 năm.
Các đồ uống như nước trái cây và coca thường được bán trên thị trường với dung tích 350ml (12 ounces), và một phần ba trong số chúng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường được cho là tăng lên ngay cả khi uống nước ép trái cây 100%. Mặt khác, nếu mỗi ngày thay thế các đồ uống có hàm lượng calo cao bằng nước, cà phê không đường hoặc trà sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường từ 2% đến 10%.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị rằng nước ngọt có hàm lượng calo cao chỉ nên hấp thụ dưới 85 g (3 ounces) mỗi ngày và lượng calo không vượt quá 450 kcal, tương đương với hai lon nước 350ml mỗi tuần.