Xác định nguyên nhân gây bệnh đau vai gáy

Đau vai gáy có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bị bệnh.
Ảnh minh họa.Ảnh minh họa.

Khi tiến triển nặng, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như teo cơ, liệt vĩnh viễn… Bác sĩ Nguyễn Thị Hường, Bệnh viên Đại học Y Hà Nội đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Thói quen sinh hoạt

Đau vai gáy là vấn đề có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Với người trẻ, tình trạng này thường bắt nguồn từ thói quen sinh hoạt kém lành mạnh hoặc do tai nạn, chấn thương.

Còn với những đối tượng tuổi trung niên, đau vai gáy rất có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý xương khớp mạn tính nào đó. Để khắc phục hiệu quả tình trạng đau mỏi vai gáy, trước tiên cần xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh.

Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến chứng đau vai gáy như sinh hoạt sai tư thế. Việc ngồi gù lưng cản trở máu lưu thông, gây tổn thương cơ, dây chằng vùng vai gáy. Ngồi học gù lưng quá lâu hoặc ngủ nghiêng không gối cùng có thể cản trở máu lưu thông và gây tổn thương cơ, dây chằng vùng cổ – vai – gáy.

Đây là nguyên nhân chính gây ra đau mỏi vai gáy ở người trẻ. Chứng đau vai gáy này thường là cấp tính và sẽ khỏi sau một thời gian mà không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe của người bệnh.

Nhiều đối tượng cũng bị đau vai gáy do tập luyện sai kỹ thuật, tai nạn lao động hay chấn thương khi chơi thể thao có thể dẫn tới một số tình trạng như trật khớp, rách sụn, gãy xương vùng vai gáy.

Những tổn thương không được phát hiện kịp thời hoặc phát hiện nhưng khắc phục sai cách có thể gây ra tình trạng đau nhức dữ dội, dai dẳng và để lại những di chứng nghiêm trọng cho sức khỏe.

Bên cạnh đó, dinh dưỡng có ảnh hưởng vô cùng lớn tới sức khỏe xương khớp. Tuy nhiên, hiện nay do công việc bận rộn nên không ít người trẻ chưa dành sự quan tâm đúng mực cho vấn đề này. Việc thiếu một số vitamin, khoáng chất, đặc biệt là canxi có thể khiến dây thần kinh ngoại vi hoạt động yếu hơn. Đồng thời làm tăng nguy cơ loãng xương, khô khớp, thoát vị đĩa đệm cổ. Tất cả những tình trạng này đều có thể gây ra đau mỏi, tê bì vùng vai gáy.

Ngoài ra, những công việc phải ngồi hay đứng một chỗ trong thời gian dài như nhân viên văn phòng, giáo viên, lễ tân… hoặc phải thường xuyên mang vác, bê đỡ vật nặng sẽ làm thiếu máu nuôi dưỡng hoặc gây áp lực lớn cho các cơ, khớp ở vùng cổ, bả vai.

Do những hành động này lặp đi lặp lại hàng ngày nên người bệnh không chỉ đơn giản là bị đau mỏi vai gáy mà còn tăng nguy cơ với thoái hóa hoặc tổn thương xương khớp mạn tính.

Đôi khi, đau mỏi vai gáy kéo dài chính là dấu hiệu cảnh báo một tình trạng mạn tính nguy hiểm, điển hình như viêm khớp dạng thấp, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp…

Nếu xuất phát từ những nguyên nhân này thì tình trạng đau nhức vai gáy sẽ không thể tự khỏi mà chỉ càng trở nặng theo thời gian nếu không có sự can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, tổn thương ở các bộ phận khác của cơ thể mới thực sự là nguồn gốc của vấn đề, sau đó cơn đau mới lan sang vai gáy.

Tình trạng đau vai gáy có nguy hiểm hay không phụ thuộc phần lớn vào nguyên nhân gây bệnh. Với nguyên nhân như sinh hoạt sai tư thế hay dinh dưỡng kém thì triệu chứng này thường không quá nghiêm trọng và sẽ thuyên giảm theo thời gian nếu chú ý kiểm soát tư thế cũng như cải thiện chế độ ăn của mình.

Tuy nhiên, với những trường hợp đau vai gáy do chấn thương hay do bệnh lý như thoát vị đĩa đệm, viêm khớp thì người bệnh tuyệt đối không được thờ ơ.

Đây là những tình trạng nghiêm trọng cần được khắc phục sớm và đúng cách, nếu không, người bệnh có thể sẽ gặp phải những biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như chèn ép rễ thần kinh do đĩa đệm thoát vị gây cản trở vận động, teo cơ và thậm chí là liệt.

Các biến chứng đáng lo ngại

Người bệnh cũng cần thận trọng, nghỉ ngơi không có nghĩa là không di chuyển hay không làm gì cả vì việc này có thể dẫn đến cứng khớp. Thay vào đó, hãy vận động nhẹ nhàng với tần suất và cường độ thích hợp, tuỳ thuộc vào mức độ đau của bạn. Đồng thời, mọi người cần chú ý tư thế lao động, sinh hoạt. Tư thế hoặc thói quen làm việc không tốt, chẳng hạn như ngồi vẹo xương sống, đứng khom lưng, ngồi một chỗ quá lâu có thể làm cho các vấn đề về vai gáy của bạn trở nên tồi tệ hơn. 

Khi cơn đau vai gáy xuất hiện, không ít người chủ quan cho rằng là một tình trạng phổ biến, có thể tự khỏi. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm bởi đau vai gáy có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý cơ xương khớp. Nếu không được điều trị sớm sẽ rất dễ tiến triển nghiêm trọng và dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề.

Theo đó, người bệnh có thể bị teo cơ, yếu cơ cánh tay. Biến chứng này thường gặp ở người thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.

Cơn đau sẽ từ vùng vai gáy lan xuống cánh tay, gây tê và cuối cùng là teo cơ cánh tay, bàn tay, ngón tay. Điều này khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ suy giảm hoặc mất khả năng vận động cánh tay.

Người bị đau vai gáy cũng có thể tiến triển thành chèn ép tủy sống vùng cổ. Đây là biến chứng đau vai gáy nặng, xảy ra khi các tổn thương cột sống cổ đã tiến triển nghiêm trọng. Lúc này, người bệnh bị rối loạn cảm giác ở chân tay, rối loạn thần kinh thực vật, liệt nửa người hoặc tứ chi.

Trường hợp đau vai gáy còn là dấu hiệu của bệnh lý thoái hóa đốt sống cổ. Nếu không điều trị sớm sẽ gây ra tình trạng rối loạn tiền đình, thiếu máu não với các biểu hiện điển hình như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn mỗi khi đứng lên hay ngồi xuống.

Đau vai gáy dai dẳng cũng là tác nhân khiến người bệnh mệt mỏi, đau nhức, mất ngủ, ăn uống kém, mất tập trung vào công việc, trầm cảm và gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hằng ngày.

Không phải toàn bộ các phương pháp khắc phục đau vai gáy được liệt kê đều thích hợp cho tất cả mọi người. Bởi việc điều trị còn tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Trong khi một phương pháp hiệu quả với trường hợp này, nó lại có thể không hữu ích, và thậm chí còn gây hại cho người bệnh khác. Vậy nên, cần tham khảo lời khuyên của chuyên gia trước khi bắt tay vào một chương trình điều trị vai gáy.

Điều đầu tiên cần lưu ý khi điều trị đau mỏi vai gáy là cho phép cơ thể nghỉ ngơi, tránh mang vác nặng. Điều này không chỉ giúp các triệu chứng đau mỏi hoặc viêm được giảm bớt mà cơ và dây chằng tổn thương cũng có cơ hội hồi phục.