Ra đời từ 2013, Telegram nay trở thành một trong những ứng dụng chat phổ biến nhất thế giới với hơn 700 triệu người hoạt động hàng tháng, theo thông tin trên website của nền tảng. Theo thống kê của Statista - một nền tảng trực tuyến của Đức chuyên thu thập và trực quan hóa dữ liệu, cung cấp số liệu thống kê và báo cáo, thông tin chi tiết về thị trường, thông tin chi tiết về người tiêu dùng, Việt Nam hiện nằm trong top 10 thị trường ưa chuộng ứng dụng này, với gần 12 triệu lượt tải vào năm ngoái. với 11,84 triệu lượt tải năm 2022. Còn theo thống kê của Digital Report đầu 2023, 31,5% người dùng Internet tại Việt Nam ở độ tuổi 16-64 có sử dụng Telegram.
Điều khiến Telegram phổ biến như vậy là nhờ việc ứng dụng này tính bảo mật cao. Đặc biệt là khi người dùng đang ngày càng ý thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng. Nhưng đây cũng lại chính là lý do khiến Telegram trở thành môi trường dễ dàng cho tội phạm mạng lộng hành. Với những cá nhân, tổ chức có nhu cầu trao đổi thông tin qua chat, Telegram là giải pháp được đánh giá cao nhờ khả năng tạo tài khoản dễ dàng, hoạt động đồng bộ trên mọi nền tảng, lưu trữ dung lượng lớn cùng nhiều tính năng tùy chỉnh hỗ trợ công việc. Sự tiện lợi giúp Telegram tiếp cận rộng rãi người dùng phổ thông, nhưng sự ẩn danh và cơ chế phân tán dữ liệu, mã hóa đầu cuối khiến nó là môi trường yêu thích của tội phạm mạng. Trong bài viết hồi tháng 2, tạp chí bảo mật CPO Magazine đánh giá Telegram đã trở thành "một Dark Web kiểu mới" và là "một hệ sinh thái tội phạm mạng trên ứng dụng nhắn tin". Với Telegram, một người dùng bình thường như có thể dễ dàng đưa mình vào thế giới ngầm chỉ sau một cái nhấp chuột "Join group". Một kẻ phạm tội cũng có thể loại bỏ hết thông tin về mình sau một thao tác xóa tài khoản. Báo cáo của Cyberint cho biết tội phạm mạng gia tăng với tốc độ 100% trên nền tảng này năm 2021.
Với ứng dụng Telegram, một người dùng bình thường có thể dễ dàng đưa mình vào thế giới ngầm chỉ sau một cái nhấp chuột "Join group". Ảnh minh họa
Báo cáo của Tổ chức chống tội phạm mạng toàn cầu Ke-la cho biết so với các nền tảng được tội phạm mạng tin dùng như Discord, Jabber, Tox và Wickr, Telegram vươn lên thành dịch vụ được ưa chuộng nhất nhờ lượng người dùng lớn và nhiều tính năng. Telegram có ba hình thức giao tiếp chính gồm chat trực tiếp hai người, chat nhóm (group) và kênh thông báo (channel). Trong đó, nhóm chat có thể lên tới 200.000 thành viên, vượt trội so với con số 500 - 1.000 của các ứng dụng khác như Messenger, WhatsApp. Kẻ gian tận dụng đặc điểm của channel để phát đi thông tin một chiều và sự đông đúc của group để lừa đảo hàng loạt hoặc săn tìm con mồi.
Ví dụ, chỉ cần tìm kiếm với từ khóa mua bán dữ liệu, hàng chục nhóm chat hiện ra, nơi người mua kẻ bán trao đổi nhộn nhịp về sản phẩm phi pháp. Những dịch vụ trái phép khác như chất gây nghiện, bán dâm, tài khoản ngân hàng, dịch vụ deepfake... cũng tồn tại trên đây. Thậm chí không cần tìm kiếm, các dịch vụ này bủa vây người dùng qua những tính năng như tự động thêm vào nhóm, nhận tin nhắn từ người lạ. Một người tự giới thiệu là chuyên cung cấp dịch vụ mạo danh (deepfake) mô tả cách tiếp cận khách hàng tiềm năng của chúng. Đầu tiên là tạo tài khoản ảo tham gia một nhóm chat Telegram của những người chung mối quan tâm nào đó. Đóng vai một người dùng bình thường, chúng nhắn tin làm quen với các thành viên, sau đó giới thiệu về sản phẩm của mình. Khi tiến tới giao dịch, hai bên sẽ chuyển hình thức chát bí mật và tin nhắn tự hủy, thanh toán qua một tài khoản ngân hàng, thường là tài khoản rác được mua lại. Thông tin danh tính của người bán gần như là con số 0.
Khác với các mạng xã hội vốn có hàng trăm điều khoản buộc người dùng tuân thủ, tiêu chuẩn cộng đồng của Telegram vỏn vẹn ba dòng: Không sử dụng dịch vụ để spam hoặc lừa đảo; không quảng cáo bạo lực; không đăng nội dung khiêu dâm trên các kênh công khai. Tuy nhiên, khi người dùng tiếp xúc với thông tin độc hại cũng không thể nhờ nền tảng gỡ bỏ chúng.
Telegram hiện là một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất thế giới với hơn 700 triệu người hoạt động hàng tháng. Ảnh minh họa
"Tất cả cuộc trò chuyện là riêng tư giữa những người tham gia. Chúng tôi không xử lý bất kỳ yêu cầu nào liên quan đến chúng", Telegram giới thiệu về cơ chế hoạt động của mình. Thứ mà nền tảng này xóa chỉ là các gói sticker vi phạm bản quyền, hoặc bot chứa nội dung độc hại sau khi được báo cáo. Tự giới thiệu là ứng dụng được tài trợ bởi nhà sáng lập - tỷ phú Pavel Durov, Telegram khẳng định không tập trung vào kiếm tiền qua quảng cáo và cũng không cần dữ liệu người dùng, nên không yêu cầu xác minh danh tính khi đăng ký. Theo TechShielder, đây là ứng dụng chat chứa ít thông tin người dùng nhất, chỉ 18%, so với 70% của Messenger. Dưới danh nghĩa bảo vệ người dùng, Telegram vô tình bảo vệ cả tội phạm mạng. Công ty có trụ sở tại Dubai cho biết dữ liệu chat Telegram được lưu trữ trên đám mây. Nền tảng sử dụng cơ sở hạ tầng phân tán, lưu trữ trong nhiều trung tâm dữ liệu trên toàn cầu. Các khóa giải mã được băm nhỏ thành nhiều phần và lưu trữ tách riêng với vị trí của dữ liệu mà chúng bảo vệ. Cơ chế nhằm tránh bị hack, nhưng giúp Telegram né tránh các yêu cầu pháp lý từ cơ quan chức năng. Tính năng mã hóa đầu cuối của một số ứng dụng chat, trong đó có Telegram, cũng khiến tin nhắn không thể được truy cập bởi bất cứ bên nào, trừ thiết bị được cấp phép. Hoạt động tội phạm trên thế giới ngầm Telegram trở thành thách thức với cơ quan quản lý của mọi quốc gia.
Ông Nguyễn Hưng - Đồng sáng lập dự án "Chống lừa đảo": "Đặc biệt ở đây khi đối tượng lừa đảo làm kịch bản đã chia ra giai đoạn rất rõ ràng cho mình thấy quy mô, sự chuyên nghiệp. Gọi điện là người khác, người làm việc với mình trên zalo là người khác và người trên zalo lại giới thiệu 1 người trên Telegram là người khác". Báo cáo của Tổ chức chống tội phạm mạng toàn cầu cho biết, Telegram là dịch vụ được tội phạm mạng tin dùng nhất. Còn tại Việt Nam, mới đây, một đường dây cờ bạc với quy mô 2.600 tỷ đồng đã được cơ quan điều tra triệt phá. Các đối tượng đã sử dụng ứng dụng telegram để dụ dỗ nhiều người tham gia. Năm 2018, Tòa án Iran đã tuyên bố cấm sử dụng Telegram. Tháng 10 năm 2022, Đức quyết định phạt ứng dụng tin nhắn Telegram 5 triệu euro vì không có cơ chế cho người dùng báo cáo sai phạm. Tại Việt Nam, chính phủ vừa trình Quốc hội Dự án Luật Viễn thông sửa đổi, trong đó đưa chế tài quản lý dịch vụ truyền thông qua Internet, trong đó có Telegram vào luật.