Sụp 'ổ gà' làm hư xe, đòi bồi thường với ai?

Nhiều người đi đường bị thiệt hại do sụp 'ổ gà, ổ voi' phần lớn bị xem như tai nạn mà không nghĩ đến việc đòi bồi thường.

sup-o-ga-16653680915881847249658.jpg

Anh Đỗ Minh Hòa (ngụ TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) phản ảnh vào lúc 23h30 khuya 30-9, ô tô mà anh Hòa là chủ xe đang chạy trên đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hướng về Trung Lương thì bị sụp "ổ gà". Sự cố khiến bánh trước bên trái xe bị nổ lốp và hư hỏng vành xe.

Anh Hòa đã gọi điện đến tổng đài của đơn vị quản lý vận hành đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận yêu cầu đơn vị này cử người ghi nhận lại sự việc. Sau đó anh Hòa gọi điện liên hệ với nhiều đơn vị có chức năng quản lý giao thông nhưng đơn vị nào cũng cho rằng không thuộc thẩm quyền của mình và hướng dẫn anh Hòa liên hệ đơn vị khác.

"Xe của tôi mua từ năm 2019 nhưng tôi ít đi và được bảo dưỡng định kỳ, lốp "zin" theo xe, còn gai lốp, tôi sẵn sàng mời đơn vị kiểm định vào kiểm định lốp xe. Đây là tuyến đường có thu phí (BOT) mà chất lượng đường quá kém khiến xe gặp sự cố thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm và bồi thường?", anh Hòa giải thích đầy bức xúc.

Không chỉ anh Hòa, nhiều người khi gặp sự cố từ những "ổ gà, ổ voi" trên đường nhưng không biết liên hệ với cơ quan nào để giải quyết.

Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM), Luật giao thông đường bộ 2008, nghị định số 32/2014 về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ cao tốc quy định trách nhiệm quản lý hệ thống quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải; hệ thống đường tỉnh, đường đô thị do UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm; đường chuyên dùng, đường không do Nhà nước quản lý khai thác, đường được đầu tư xây dựng không bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước do chủ đầu tư tổ chức quản lý, bảo trì theo quy định.

Về nguyên tắc hệ thống đường giao thông của từng địa phương nói chung, đường cao tốc của từng địa phương nói riêng thuộc trách nhiệm quản lý, vận hành của UBND cấp tỉnh tại địa phương, cơ quan trực thuộc là sở giao thông vận tải.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn các dự án BOT thì chủ thể chịu trách nhiệm chính căn cứ vào các quy định về chấp thuận đầu tư dự án, các hợp đồng.

Cụ thể, đơn vị được giao tổ chức khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc được xác định trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi thông qua hợp đồng với cơ quan quản lý đường cao tốc hoặc với nhà đầu tư đối với các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư.

Các cơ quan, tổ chức này có trách nhiệm đảm bảo vận hành, quản lý, bảo dưỡng, duy tu thanh tra, giám sát thường xuyên; kịp thời sửa chữa, khắc phục sự cố khi công trình bị hư hỏng, sụt lún, xuất hiện "ổ voi, ổ gà", gây khó khăn, cản trở cho các phương tiện tham gia giao thông.

Luật sư Mạch cho rằng trường hợp không sửa chữa, không khắc phục kịp thời, không thực hiện các biện pháp cảnh báo an toàn nếu để xảy ra hậu quả như hư hỏng tài sản, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tham gia giao thông... thì các cơ quan, tổ chức này có trách nhiệm chính và phải liên đới với nhau để bồi thường các thiệt hại phát sinh.

Trong trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm, tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả gây ra, các chủ thể này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sau phản ánh của báo Tuổi Trẻ, đã khắc phục sự cố

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện ban điều hành Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án) cho biết khi tiếp nhận thông tin, nhân viên đã lập biên bản ghi nhận sự việc, trám lấp "ổ gà".

Tuyến cao tốc trên có 45/51,5km đi qua nền đất yếu, hiện đang trong thời gian bảo hành nên việc kiểm tra, bảo trì được làm thường xuyên. Liên quan trường hợp anh Hòa gặp sự cố trên cao tốc, đơn vị đã liên hệ với chủ xe và thống nhất hướng hỗ trợ khắc phục hư hỏng xe.