Quảng Ninh: Buộc tiêu hủy lô đồ chơi nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh vừa kịp thời phát hiện và thu giữ hơn 1.000 sản phẩm đồ chơi nhập khẩu.

Hải quan Quảng Ninh cho biết, trong quá trình tuần tra kiểm soát tại phường Trần Phú, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, tổ công tác Đội Kiểm soát liên hợp số 2 thuộc Đội Kiểm soát Hải quan số 1 đã phát hiện một người đàn ông đang tập kết 5 thùng carton có chứa hàng hóa nghi là hàng nhập lậu.

Qua kiểm tra ban đầu cho thấy bên trong chứa hơn 1.000 sản phẩm đồ chơi các loại: quạt đồ chơi trẻ em, đèn lồng trung thu, đồ chơi thú nhún, ô tô đồ chơi…

Đồ chơi nhập lậu được lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh thu giữ. Ảnh: D.Hưng

Bước đầu, người đàn ông tên Mạnh (trú tại phường Cẩm Sơn, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, số hàng hóa này là đồ chơi trẻ em, do Trung Quốc sản xuất, ông nhận vận chuyển thuê cho người phụ nữ không quen biết từ Khu 6, phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái về tập kết tại đây để lấy tiền công. Toàn bộ số hàng hóa này không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Đội Kiểm soát Hải quan số 1 đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và buộc tiêu hủy lô hàng trên theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vấn đề đồ chơi trẻ em nhập lậu, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm Hàng hoá thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, đồ chơi trẻ em là mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2 (hàng hóa có khả năng gây mất an toàn) do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.

Các yếu tố an toàn của đồ chơi trẻ em đã được quy định đầy đủ, chặt chẽ trong các văn bản, các quy chuẩn kỹ thuật. Và theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, đồ chơi trẻ em trong sản xuất, lưu thông, nhập khẩu và sử dụng đều phải được kiểm tra, chứng nhận hợp quy.

Ngoài ra, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, đồ chơi trẻ em chỉ được lưu hành trên thị trường khi đã có chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn về an toàn, hàm lượng độc tố không được vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, một số kết quả nghiên cứu đã cho thấy, hầu hết đồ chơi nhập lậu thường được làm từ nhựa tái sinh nên phải bổ sung thêm các hóa chất để tăng cường độ bền, mềm dẻo hoặc cứng. Để thu được nhiều lợi nhuận, các cơ sở sản xuất còn thu gom nhựa phế thải, thậm chí còn lẫn với các chất thải hữu cơ độc hại hoặc sử dụng các màu sơn vô cơ có kim loại nặng như thủy ngân, chì… rất độc hại.

Việc sử dụng các loại nhựa không bảo đảm chất lượng để sản xuất đồ chơi trẻ em như nhựa tái chế PVC khi qua xử lý nhiệt có thể thải ra khí clo (một chất oxy hóa có độc tính cao) hoặc thành phần nhựa có chứa lượng phthalates cao sẽ gây ra các nguy cơ về rối loạn nội tiết tố, nguy cơ dậy thì sớm, bệnh tiểu đường, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản...

Ngoài ra, để làm cho các món đồ chơi ấn tượng, màu sắc thật bắt mắt hoặc làm cho món đồ chơi bền, dẻo hay rắn chắc, các nhà sản xuất còn bổ sung thêm một số chất như muối kẽm, muối catmi, muối đồng, hoặc sử dụng thủy ngân, chì và các sơn màu giá rẻ không đảm bảo chất lượng.

Những loại hóa chất này nếu không được kiểm định phân loại thành phần và hàm lượng an toàn thì một số chất phụ liệu hoàn toàn có khả năng gây hại cho bé (ví dụ chất hóa dẻo DBP (Dibutyl Phthalate) hay DOC (Dioctyl Phthalate) có khả năng gây ung thư nếu tiếp xúc trực tiếp lâu dài. Những chất như chì, thủy ngân có thể thẩm thấu và hấp thu bởi cơ thể của trẻ qua đường hô hấp, đường tiêu hóa và ngấm qua da trong quá trình chơi, tiếp xúc với các loại đồ chơi này.

Trước tình hình thị trường đồ chơi khó kiểm soát như hiện nay các bậc phụ huynh nên chọn mua cho con em mình những loại đồ chơi phù hợp, đảm bảo tính an toàn cao, chất lượng tốt.

QCVN 3:2019/BKHCN- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em

Quy chuẩn kỹ thuật này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ đồ chơi trẻ em, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Theo đó Quy chuẩn này yêu cầu về giới hạn mức thôi nhiễm của một số nguyên tố độc hại theo TCVN 6238-3:2011 (ISO 8124-3:2010).

Giới hạn về hợp chất hữu cơ độc hại

Chất lỏng trong đồ chơi trẻ em: Chất lỏng có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được có pH nhỏ hơn 3,0 hoặc lớn hơn 10,0. Yêu cầu này không áp dụng cho mực viết trong dụng cụ viết.

Formaldehyt trong đồ chơi dành cho trẻ em dưới 3 tuổi: Các chi tiết bằng vải dệt có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30 mg/kg.

Các chi tiết bằng giấy có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30 mg/kg.

Các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 80 mg/kg.

Phtalat trong đồ chơi trẻ em: Đồ chơi trẻ em không được có hàm lượng các phtalat di(2-etylhexyl) phtalat (DEHP), dibutyl phtalat (DBP) hoặc butyl benzyl phtalat (BBP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat.

Đồ chơi trẻ em có thể cho vào miệng không được có hàm lượng các phtalat diisononyl phtalat (DINP), diisodecyl phtalat (DIDP) hoặc di-n-octyl phtalat (DNOP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat.

Amin thơm trong đồ chơi trẻ em: Hàm lượng của các amin thơm (bao gồm cả các dẫn xuất từ thuốc nhuộm azo trong mẫu) có trong vật liệu đồ chơi hoặc bộ phận của đồ chơi không được vượt quá các mức được quy định.

Yêu cầu an toàn đối với đồ chơi trẻ em sử dụng điện: Đồ chơi trẻ em không được dùng nguồn điện có điện áp danh định vượt quá 24 V và không một bộ phận nào trong đồ chơi trẻ em có điện áp danh định hoặc tức thời vượt quá 24 V.

Các bộ phận trong đồ chơi trẻ em nếu được nối hoặc có thể tiếp xúc với nguồn điện có điện áp danh định vượt quá giới hạn nêu trên cũng như các dây dẫn, cáp điện nối đến các bộ phận phải được cách điện và bảo vệ thích hợp để ngăn ngừa các rủi ro về điện.

Theo Vietq.vn