Rối loạn tiền đình không chỉ là tình trạng của người lớn tuổi mà hiện ngày càng phổ biến ở giới trẻ.
Rối loạn tiền đình được biết đến là tình trạng rối loạn chức năng của hệ thống tiền đình, gây các triệu chứng như chóng mặt, mất thăng bằng, buồn nôn, và mệt mỏi. Mặc dù bệnh này thường gặp ở người lớn tuổi, nhưng với cuộc sống bận rộn và nhiều ưu lo hiện nay có không ít người trẻ mắc chứng rối loạn tiền đình.
Việc nhận biết và xử trí đúng cách khi người trẻ bị rối loạn tiền đình là điều cần thiết để sớm tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo đó, rối loạn tiền đình ở người trẻ tuổi có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như làm việc căng thẳng kéo dài, lạm dụng thiết bị điện tử, thiếu ngủ, thiếu chất dinh dưỡng hoặc làm việc trong môi trường khép kín, thiếu không khí.
Những lý do này gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh và tuần hoàn máu, làm giảm lượng máu và oxy đến tai trong, gây rối loạn hoạt động của hệ thống tiền đình.
Triệu chứng thường gặp nhất của rối loạn tiền đình là cảm giác chóng mặt, mất thăng bằng, kèm theo buồn nôn và thậm chí nôn mửa. Một số người trẻ sẽ cảm thấy ù tai, đau đầu, và mệt mỏi kéo dài. Những triệu chứng này có thể xuất hiện đột ngột và ảnh hưởng đến quá trình làm việc, học tập và sinh hoạt hàng ngày.
Khi xuất hiện các triệu chứng của rối loạn tiền đình, điều quan trọng nhất của người bệnh là cần nghỉ ngơi trong không gian yên tĩnh. Để cơ thể ổn định, người bệnh nên nằm nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, tránh nhiều ánh sáng và âm thanh ồn ào. Tư thế nằm nghiêng, nhắm mắt, giữ yên đầu và cố gắng thả lỏng cơ thể sẽ giúp giảm bớt cảm giác chóng mặt.
Việc nghỉ ngơi đầy đủ không chỉ giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn mà còn giảm áp lực lên hệ thần kinh trung ương, giúp cơ thể hồi phục nhanh chóng. Thời gian nghỉ ngơi hợp lý kết hợp với không gian yên tĩnh sẽ tạo điều kiện tốt để cơ thể tự điều chỉnh lại hệ thống tiền đình.
Một trong những yếu tố quan trọng khác để tránh rối loạn tiền đình là chế độ ăn uống lành mạnh và cân đối. Để giảm triệu chứng và ngăn ngừa tái phát, hãy bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ, vitamin C, vitamin B6 và các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa. Trái cây tươi, rau xanh, các loại hạt và thực phẩm giàu Omega-3 là những lựa chọn tốt giúp cải thiện lưu thông máu, cung cấp năng lượng cho hệ thần kinh.
Ngược lại, cần hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều đường, muối, chất béo bão hòa, và đồ uống có cồn. Chúng có thể làm tăng áp lực lên hệ tuần hoàn, dẫn đến tình trạng chóng mặt và các triệu chứng khác của rối loạn tiền đình trầm trọng hơn. Ngoài ra, người bị rối loạn tiền đình cần uống đủ nước mỗi ngày, tránh để cơ thể bị mất nước.
Bên cạnh đó, một số bài tập đơn giản có thể giúp tăng cường sự hoạt động của hệ thống tiền đình. Các bài tập này chủ yếu nhằm cải thiện sự thăng bằng, khả năng phối hợp giữa mắt và cơ thể, cũng như tăng cường sự linh hoạt của cổ và đầu. Các bài tập yoga sẽ hỗ trợ cải thiện tuần hoàn máu và giúp cơ thể thư giãn.
Nếu tình trạng rối loạn tiền đình kéo dài hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng, hãy đến thăm khám và điều trị kịp thời dưới sự tư vấn của bác sĩ.
Theo Laodong.vn