Phát hiện nhiều thủ đoạn tinh vi
Hà Nội với dân số gần 10 triệu người, nhu cầu tiêu dùng khá lớn, đồng thời là đầu mối phân phối, vận chuyển hàng hóa đi các địa phương, nên tình trạng buôn lậu diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Mới đây nhất, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 20 (Cục QLTT) Hà Nội qua kiểm tra kho đông lạnh tại KCN Cầu Gáo (Đan Phượng) đã phát hiện 3 tấn chân gà đông lạnh không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của lô hàng này.
Thông tin từ BCĐ 389 TP Hà Nội cho thấy trong tháng 10/2022, các lực lượng chức năng trên địa bàn TP Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện 3.616 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, thu về cho ngân sách Nhà nước 430, 166 tỷ đồng.
Dù liên tục phát hiện, kiểm tra, bắt giữ các vụ buôn lậu số lượng lớn nhưng tình trạng buôn lậu thời điểm giáp Tết không có dấu hiệu hạ nhiệt mà diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Thông tin từ Cục QLTT Hà Nội cho thấy, nhằm đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả Việt Nam đã cấu kết với các đối tượng nước ngoài (Trung Quốc) sản xuất, vận chuyển hàng lậu, hàng giả. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng nhập khẩu hàng hóa gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam thể hiện ở việc được sản xuất tại Trung Quốc nhưng khi kiểm tra thực tế thì trên hộp đựng sản phẩm và trên hàng hóa thể hiện chữ đúc chìm “Made in Vietnam”.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan TP Hà Nội Nguyễn Dương Thái thông tin, các đối tượng buôn lậu lợi dụng việc phân luồng miễn kiểm tra thực tế hàng hóa để gian lận về số lượng, chủng loại; Khai sai, không khai báo trên tờ khai nhãn hiệu của hàng hóa nhập khẩu; Trà trộn hàng hóa vi phạm và hàng hóa không vi phạm với nhau, khai báo trị giá thấp để trốn thuế.
Đối với việc kiểm tra hàng hóa trên khâu lưu thông, khi lực lượng QLTT tiến hành kiểm tra, bắt giữ các phương tiện chở hàng hóa với số lượng lớn thì lái xe xuất trình một số hóa đơn chứng từ, nhưng không trùng khớp với số hàng hóa tại hiện trường. Thậm chí, một số hóa đơn bán hàng có giá rẻ hơn giá của sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 20 - 30 lần.
Tăng cường đấu tranh ngăn chặn hàng giả, bảo vệ hàng Việt
Theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái kéo dài sẽ giết chết nền sản xuất trong nước trong bối cảnh hàng Việt đang phải chật vật cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Vì vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường qua đó bảo vệ hàng Việt.
Nhằm góp phần ổn định thị trường hàng hóa lưu thông trên địa bàn TP Hà Nội, tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Cục QLTT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-QLTTHN triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường các tháng cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Theo đó tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý có trọng tâm, trọng điểm các đối tượng kinh doanh, hoạt động có tổ chức tập kết, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại. Chú trọng đấu tranh các mặt hàng thuốc lá nhập lậu, pháo nổ, đồ chơi ảnh hưởng tới sức khỏe và nhân cách trẻ em.
Đặc biệt kiểm tra các sản phẩm thực phẩm, bánh kẹo rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... các nguyên liệu, phụ gia nhập lậu vi phạm an toàn thực phẩm dùng để sản xuất chế biến hàng công nghiệp thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết.
Các đội QLTT chủ động phối hợp với lực lượng công an kiểm tra các điểm tập kết, kho hàng tại các quận, huyện Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Long Biên... Tăng cường chống buôn lậu, hàng cấm tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Phó Trưởng BCĐ 389 TP Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, trong đợt cao điểm triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, BCĐ 389 TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và lực lượng QLTT phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng sức tiêu thụ hàng hóa tăng cao thời điểm cuối năm để tiêu thụ hàng giả, hàng lậu thông qua các hội chợ Tết.
Xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả do nước ngoài sản xuất nhưng gắn nhãn của DN Việt, qua đó bảo vệ uy tín của DN sản xuất trong nước và quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường gắn liền với mục tiêu ổn định, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của DN.