Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai phát hiện một cơ sở mổ giết gà đang chế biến thực phẩm bẩn. Theo đó, cơ sở này có 4 người đang làm lông, mổ gà. Điều đáng nói, số gà này là một phần của hơn 2 tấn gà công nghiệp đã chết và bốc mùi đang được chứa trên thùng xe tải.
Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở mổ gà khai là đã mua gà ở các trại nuôi thuộc địa bàn tỉnh với giá chỉ 4.000 đồng/kg; sau đó vận chuyển về cơ sở, làm sạch lông và đi tiêu thụ ở địa phương này và các vùng lân cận.
Chủ cơ sở nói trên còn khai nhận, số thịt gà thối này sẽ được các nơi chế biến giò, chả, ruốc bông và các quán cơm bình dân tiêu thụ…
Thật rùng mình khi nghĩ số thịt gà này vào đĩa cơm của người dân.
Như chúng tôi được biết, thực phẩm bẩn ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn rất nghiêm trọng. Điều người ăn dễ nhận thấy khi bị ngộ độc ngay, cấp tính, diễn ra nhanh với triệu chứng nôn, đau bụng, xây xẩm mặt mày… phải đi cấp cứu. Nhưng nguy hại không kém là ngộ độc âm thầm, trường diễn, tích tụ ngày này qua tháng khác… sẽ tàn phá cơ thể như suy thận, ung thư gan, ruột…
Rất nhiều năm nay, người dân luôn khát khao được dùng thực phẩm sạch, cả từ nguồn động vật lẫn thực vật. Cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, tiến hành thu giữ, tiêu hủy nhiều vụ mua bán, chế biến thực phẩm bẩn như báo đài đã nêu.
Tuy nhiên, với tình trạng chỉ phạt hành chính, e rằng là không đủ sự răn đe cần thiết. Như vụ việc ở trên, lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính, bàn giao toàn bộ số gà chết cho chính quyền địa phương đưa đi tiêu hủy. Vậy sao chưa nghe đến việc sẽ truy những trại chăn nuôi bán số gà chết cho chủ lò mổ?
Chủ lò mổ chế biến thực phẩm vì lợi nhuận siêu khủng (mua gà chỉ giá 4.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường gà sống khoảng 60.000 đồng/kg) mà chỉ bị phạt hành chính là quá nhẹ. Nên chăng, người này ngoài bị phạt hành chính phải đóng cửa cơ sở chế biến thực phẩm, cấm hành nghề liên quan đến thực phẩm, ăn uống…
Thêm nữa, người dân cũng mong mỏi, cơ quan chức năng khi vận dụng các điều luật không nương nhẹ với hành vi buôn bán, chế biến thực phẩm bẩn. Điều luật cũng đã quy định truy cứu hình sự với những trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bởi, những hành vi vi phạm này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người.
Thông thường, người tiêu dùng sẽ tìm đến thương hiệu quen thuộc, hoặc người bán hàng thân quen… để mua và có sự cảnh giác nào đó nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người nhà. Tuy nhiên, không phải lúc nào sự cảnh giác này cũng có tác dụng.
Thông thường, vào mỗi buổi trưa, do làm khá xa nhà, chúng tôi phải vào quán cơm ăn. Đương nhiên, lúc này đành phó mặc chất lượng thực phẩm vào lương tâm của chủ quán, người chế biến, cung cấp thực phẩm và cả người nuôi trồng.
Trong một "chuỗi trông chờ" với quá nhiều may rủi như vậy, lỗ hổng rất dễ xảy ra. Trong khi chờ đợi nhưng luật lệ bao quát được vấn đề, ý thức của người nuôi trồng, chế biến, buôn bán thực phẩm được nâng cao, người dân mong cơ quan chức năng phạt thật nặng những ai vi phạm, kinh doanh trên sự tổn hại sức khỏe của con người.