Hoa hồng có nhiều loại như hoa hồng đỏ, hoa hồng trắng, hoa hồng đen, hoa hồng xanh và hoa hồng vàng. Ngoài làm nguyên liệu chính để sản xuất nước hoa, loại đỏ và trắng thường được dùng làm thuốc.
Các tác dụng thảo dược của hoa hồng khá ấn tượng. Nó giàu chất dinh dưỡng, lợi tiểu, chống viêm và cũng được sử dụng để giảm căng thẳng, chữa đau bụng, đau họng, cảm lạnh…
Theo Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam, về dược tính, hoa hồng là một vị thuốc thơm mát, không độc. Theo y học cổ truyền, hoa hồng có vị ngọt, tính ấm, tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, tiêu sưng.
Người Trung Quốc và nhiều nước châu Á đã dùng nước hoa hồng để chữa bệnh từ rất lâu đời. Loại hoa hồng đỏ (mai khôi hoa) dùng làm huyết mạch lưu thông, chữa kinh nguyệt không đều, đau ở vùng bụng dưới, vết sưng tay, đinh nhọt và viêm mủ da, bệnh bạch hầu.
Loại hoa hồng trắng (hồng bạch) chứa nhiều vitamin, đường, chất nhày, tinh dầu, dùng chữa ho trẻ em rất công hiệu, ngoài ra còn làm nhuận tràng.
Tinh dầu hoa hồng là chất an thần, làm dịu các chứng bệnh về tiêu hóa, trị đau nhức, căng thẳng thần kinh, suy nhược, mất ngủ, rối loạn kinh nguyệt. Ngoài tác dụng kích thích tuần hoàn máu, nó còn là chất sát khuẩn nhẹ, ít độc trong các loại tinh dầu nên có thể dùng cho trẻ nhỏ.
Nước hoa hồng có tác dụng như một loại sữa, làm mát dịu và sạch sẽ làn da, có tính sát khuẩn nhẹ và làm hưng phấn tinh thần.
Có thể làm dầu hoa hồng tại nhà theo cách sau:
- Ngâm 2 nắm cánh hoa hồng đỏ mới hái vào dầu hạnh đào hoặc dầu hạt dẻ.
- Đun cách thủy ở 40 độ C khoảng 10 phút và ngâm tiếp từ 24 đến 48 giờ. Sau đó lọc và dùng như dầu massage có hương thơm và dịu.
Dầu này có thể để lâu được từ 3 đến 4 tháng.
Để chống táo bón, bạn có thể lấy hoa hồng trắng còn tươi hoặc khô 20-40g, hãm với 100ml nước sôi trong 15-20 phút, thêm 1/2 thìa mật ong hoặc đường, uống 2-3 lần trước bữa ăn.
Bạn cũng có thể dùng cánh hoa hồng cho vào nước đun sôi lấy nước tắm, có tác dụng giúp da mịn màng, tươi mát.