Từ ngày 31/10/2023 đến ngày 4/6/2024, giá cổ phiếu PVT đã tăng 53,6%, từ 19.950 đồng/cổ phiếu, lên 30.650 đồng/cổ phiếu (cùng giai đoạn thị trường tăng 24,8%). Thực tế này diễn ra trong bối cảnh PVTrans được kỳ vọng tiếp tục hưởng lợi từ giá cước vận tải tàu chở dầu/hóa chất duy trì ở mức cao, đồng thời bức tranh tài chính của Công ty tiếp tục tăng trưởng tích cực.
Riêng trong quý I/2024, PVTrans ghi nhận doanh thu tăng 24,1%, lên 2.536,11 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 27,5%, lên 306,2 tỷ đồng và hoàn thành tới 40,3% so với kế hoạch lãi 760 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 16% lên 20,7%. Lý giải về kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng, PVTrans cho biết, do tăng số lượng tàu và gia tăng hiệu quả khai thác đội tàu mà Công ty đang sở hữu.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch HĐQT PVTrans chia sẻ: “Năm 2023, Công ty đã đầu tư và nâng đội tàu lên 51 chiếc, tất cả các tàu mới đầu tư đều mang lại hiệu quả ngay khi đưa vào khai thác. Trong đó, hầu hết các dự án đầu tư trong năm 2023 đã và đang khai thác tốt trong 1-2 năm tới. Công ty đã tăng quy mô đội tàu, trẻ hóa đội tàu để tăng năng lực cạnh tranh, đây là tài sản sinh lời và đang mang lại hiệu quả cho Công ty trong tương lai”.
Công ty cổ phần Chứng khoán BSC kỳ vọng, giá cước cho thuê định hạn (TC) đối với nhóm tàu dầu thô và thành phẩm tiếp tục được neo trên mức nền cao do sự mất cân bằng giữa cung cầu. Ước tính, tỷ lệ tăng trưởng cung tàu trong năm 2024 duy trì ở mức thấp, lần lượt là tăng 0,6% đối với tàu chở dầu thô và tăng 1,8% so với tàu chở dầu thành phẩm.
Nhờ có thêm 12 tàu mới được đầu tư vào năm 2023, nâng tổng số tàu khai thác lên 51 chiếc với trọng tải khoảng 1,4 triệu tấn, PVTrans tiếp tục nâng công suất cao hơn 31% so với cùng kỳ trong quý đầu năm 2024.
Trong khi đó, nhu cầu gia tăng khi tiêu thụ dầu ở các quốc gia lớn như Trung Quốc, Ấn Độ… dự kiến tăng cao hơn gấp 3,7 đến 7,1 lần so với nguồn cung, vì vậy nhu cầu nhập khẩu dầu tăng lên khiến quãng đường vận chuyển trở nên xa hơn. Đồng thời, xung đột giữa Nga - Ukraine, cũng như sự kiện ở Biển Đỏ thúc đẩy quãng đường vận chuyển trở nên dài hơn.
Thực tế, bên cạnh câu chuyện giá cước neo vùng giá cao, PVTrans còn đang hưởng lợi từ việc trẻ hóa đội tàu dẫn tới công suất tăng. Theo dữ liệu từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, nhờ việc có thêm 12 tàu mới được đầu tư vào năm 2023, nâng tổng số tàu khai thác lên 51 chiếc với trọng tải khoảng 1,4 triệu tấn, PVTrans tiếp tục nâng công suất cao hơn 31% so với cùng kỳ trong quý đầu năm 2024 và vẫn lên kế hoạch dùng 3.000 tỷ đồng để đầu tư mua từ 8 đến 9 tàu các loại trong năm 2024. Vì vậy, công suất vận tải của PVTrans dự kiến tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, định giá cổ phiếu PVT so với thị trường không còn quá hấp dẫn. Trong đó, ngày 9/5/2024, SSI đưa ra khuyến nghị khả quan về cổ phiếu PVT với định giá mục tiêu 1 năm là 30.000 đồng/cổ phiếu. Ngày 22/5/2024, BSC cũng đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu PVT với định giá mục tiêu 1 năm là 34.300 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá thị trường ngày 4/6 là 30.650 đồng/cổ phiếu cao hơn định giá của SSI và còn dư địa tăng khoảng 11,9% so với định giá của BSC.
Thêm nữa, theo phân tích kỹ thuật, cổ phiếu PVT đang giao dịch vùng quá mua khi RSI (chỉ số sức mạnh tương đối) duy trì vùng trên 70 điểm, RSI có xu hướng đi xuống, đây là tín hiệu cổ phiếu bước vào vùng quá mua ngắn hạn.
Có thể thấy, dù triển vọng kinh doanh vẫn tích cực, nhưng do cổ phiếu tăng khá nhanh, nên định giá cổ phiếu không còn quá hấp dẫn đối với nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại.