“Thủ phạm” gây sương, khói mù ở Hà Nội và miền Bắc

Hôm nay (15-6), cả Hà Nội và TPHCM đều xảy ra hiện tượng mù, nhưng các chuyên gia khí tượng cho biết, nguyên nhân ở hai nơi là khác nhau, tính chất cũng khác nhau.
img-9968-6533.jpeg.webp
Trời mù bất thường tại Hà Nội chiều nay 15-6. Ảnh: QUÝ NGUYỄN

Hôm nay 15-6, về chiều và tối, ở Hà Nội xảy ra tình trạng “sương mù”, “khói mù” tương đối dày như đang là cuối mùa thu.

Tình trạng "khói mù" bao phủ bầu trời, khiến nhiều người dân ngỡ ngàng, cảm giác như không khí đang bị ô nhiễm nặng bởi khói bụi của các nhà máy. Càng về tối, tình trạng này càng rõ hơn khi có ánh đèn đường.

img-9966-9814.jpeg.webp
Nhiều người ngỡ ngàng vì Hà Nội giống Sa Pa, Đà Lạt nhưng không khí lại cay xè. Ảnh: H.L

Người dân sống ở khu vực ven đô, nhất là các quận, huyện như Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Hà Đông… cho biết, không chỉ xuất hiện "sương mù", trong không khí còn có mùi khét, vị làm cay mắt, mũi… gây ngột ngạt, khó thở.

Trong khi đó, ngày 15-6, Hà Nội và miền Bắc tiếp tục nắng nóng 36-37 độ C. Trời thiếu gió.

img-9970-1591.jpeg.webp
Càng về đêm, mù càng rõ dù đang mùa hè. Ảnh do người dân chia sẻ

 

Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã tìm hiểu nguyên nhân. Theo đó, tình trạng "sương mù", "khói cay" không chỉ xuất hiện ở Hà Nội mà đã và đang xuất hiện ở hàng loạt tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ suốt 2-3 ngày nay, như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định…

img-9969-2262.jpeg.webp
"Khói" mù trời ở Bắc Ninh. Ảnh: VŨ HỒNG SƠN

Quá trình thực tế cho thấy, tình trạng đốt rơm rạ ở ngoại thành, các vùng nông thôn là nguyên nhân gây ra các hiện tượng trên.

Khoảng 1-2 tuần nay, nông dân tại nhiều địa phương ở miền Bắc như Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Thái Bình… và ngoại thành Hà Nội bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa chiêm 2024.

img-9979-3845.jpeg.webp
Nguyên nhân là do nông dân ở ngoại thành và các tỉnh đang đốt rơm rạ sau vụ gặt. Ảnh: L.V.T.

Một số người dân tại các huyện Hoài Đức, Chương Mỹ ở ngoại thành Hà Nội cho biết, nhiều năm nay, hầu hết các vùng nông thôn đã chuyển sang dùng bếp gas, bếp điện (không còn dùng rơm, củi làm chất đốt), nên sau vụ gặt khoảng 2-3 ngày đến 1 tuần, khi rơm khô thì bà con nông dân sẽ đốt ngay trên đồng ruộng để làm phân bón, cải tạo đất cho mùa sau.

img-9973-5229.jpeg.webp
Thủ phạm gây "khói mù" ở miền Bắc 2-3 ngày nay là... khói đốt đồng

Chị Nguyễn Thị Nguyệt ở huyện Lương Tài (Bắc Ninh) cho biết, tình trạng đốt đồng này không chỉ làm lãng phí nguồn rơm rạ mà còn trực tiếp gây khói, ô nhiễm không khí trong những ngày hè nóng bức.

Tương tự, chị Lê Thu Hương ở phường Đáp Cầu (TP Bắc Ninh) than phiền, 2-3 ngày nay, buổi tối không dám ra đường vì khói nhiều, cay chảy nước mắt, trong khi chị đang mắc bệnh về hô hấp.

img-9976-4712.jpeg.webp
Miền Bắc đến hè lại vào mùa khói đốt đồng. Ảnh: ĐÀO NGỌC THẮNG

Tại một số địa phương như Vĩnh Phúc, Hưng Yên… nhiều tài xế ô tô cho biết, vài tối gần đây rất khó lái xe trên cao tốc vì những cánh đồng xung quanh, người dân đồng loạt đốt rơm rạ, khói gây mù trời, che chắn tầm nhìn.

img-9971-3665.jpeg.webp
Nhiều nơi, rơm rạ được đốt tỏa khói cuồn cuộn gần đường cao tốc. Ảnh chụp từ clip chia sẻ trên mạng xã hội

Theo tìm hiểu của phóng viên, hôm nay 15-6, tại TPHCM và một số nơi ở Đông Nam bộ cũng xảy ra hiện tượng sương mù trái mùa. Sương bao phủ khoảng gần 7 tiếng vào buổi sáng mới tan, sau đó nắng nóng oi bức.

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia khí tượng cho biết, nguyên nhân gây mù tại TPHCM hôm nay khác ở Hà Nội, do chiều qua 14-6, tại khu vực có mưa to diện rộng. Sáng nay, nền nhiệt tăng đột ngột làm hơi sương bốc vào không khí. Khoảng 7-8 giờ sáng 15-6, TPHCM tiếp tục mưa nhẹ nên hiện tượng mù lưu lại đến gần 13 giờ có nắng thì mù mới tan.

“Như vậy, tình trạng mù ở TPHCM hôm nay là do hiệu ứng nhiệt, không phải do môi trường ô nhiễm”, chuyên gia này chia sẻ.