Giá lúa gạo hôm nay 25/10: Điều chỉnh tăng mạnh với nhiều mặt hàng lúa

Giá lúa gạo hôm nay 25/10 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh tăng mạnh với nhiều mặt hàng lúa. Giá gạo nguyên liệu cũng điều chỉnh tăng 50 đồng/kg.

Giá lúa gạo trong nước

Giá lúa gạo hôm nay 25/10 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh tăng mạnh với nhiều mặt hàng lúa. Cụ thể, lúa IR 504 tăng 400 đồng/kg lên mức 5.700 – 5.900 đồng/kg; Đài thơm 8 5.900 – 6.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; lúa OM 5451 tăng 400 đồng/kg lên mức 5.900 – 6.000 đồng/kg; OM 18 tăng 300 đồng/kg lên mức 5.800 – 6.000 đồng/kg; Nàng hoa 9 duy trì ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg; nếp An Giang (tươi) 5.900 – 6.100 đồng/kg; nếp Long An (tươi) 6.200 – 6.500 đồng/kg.

Hiện nếp An Giang khô đang được thương lái thu mua ở mức 8.400 – 8.500 đồng/kg; nếp khô Long An 8.600 – 9.000 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.

giá lúa gạo

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu tăng 50 đồng/kg lên mức 9.150 đồng/kg. Trong khi đó, giá gạo thành phẩm duy trì ổn định ở mức 9.800 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, hiện giá tấm duy trì ở mức 9.300 đồng/kg; cám khô ổn định ở mức 8.250 – 8.300 đồng/kg.

Theo các thương lái, hôm nay lượng gạo nguyên liệu về ổn định, các kho mua nhiều hơn, giá vững ở mức cao. Thị trường giao dịch sôi động ngay phiên đầu tuần.

Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Giá gạo thế giới

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất duy trì ổn định so với hôm qua. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn.

Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn Thái Lan khoảng 15 USD/tấn ở thời điểm hiện tại. Diễn biến thị trường trong khoảng một tháng qua cho thấy, trong khi gạo Thái liên tục rớt giá thì gạo Việt Nam vẫn ổn định và đang ở mức cao nhất.

Diễn biến này đi ngược với trước đó. Thời điểm nửa cuối tháng 9, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đạt mức 446 USD/tấn cao nhất thế giới và cao hơn gạo Việt Nam khoảng 20 USD/tấn. Thế nhưng sau đó, gạo Thái liên tục giảm và đến nay chỉ còn khoảng 413 USD/tấn. Các loại gạo đặc sản như Hom Mali và gạo thơm Jasmine cũng giảm khoảng 20 - 25 USD/tấn. Ngược lại gạo 5% tấm Việt Nam từ 415 USD/tấn hồi cuối tháng 9 hiện đã tăng lên mức 428 USD/tấn. Các loại gạo 5% tấm của Pakistan đứng thứ 3 với 393 USD/tấn.

Thị trường gạo có nhiều thay đổi, bởi trong hơn một tháng qua, từ khi Ấn Độ công bố chính sách mới với mặt hàng gạo, thị trường thế giới có nhiều biến động về giá. Cụ thể, từ ngày 15/9, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% với các loại gạo trắng ngoại trừ Basmati. Tuy nhiên, lệnh cấm liên tục được nới lỏng bằng hình thức gia hạn thời điểm áp dụng đối với các hợp đồng đã ký. Mới nhất, theo Reuters ngày 12.10, Ấn Độ vừa cho phép xuất khẩu trên 397.000 tấn gạo tấm đã có hợp đồng trước ngày 8.9. Số lượng này khá nhỏ so với lượng gạo bị kẹt ở các cảng được thông báo hơn 1 triệu tấn trước đó. Theo các chuyên gia, những động thái nới lỏng sau lệnh cấm của Ấn Độ đã phần nào giúp thị trường thế giới bớt sốt như thời điểm giữa tháng 9.

Hiện nay gạo Việt đã thâm nhập được và nhiều thị trường khó tính. Tại thị trường EU, lô hàng 500 tấn gạo mang thương hiệu riêng Cơm VietNam Rice đầu tiên được đưa lên kệ các chuỗi siêu thị bán lẻ lớn tại Pháp. Sau đó, các khách hàng đã nhập thêm 500 tấn và trong vòng 1 tháng đã tiêu thụ hết 1.000 tấn gạo thương hiệu riêng của Việt Nam. Sau đơn hàng đầu tiên các đối tác EU tiếp tục đặt hàng cho những lô gạo tiếp theo, đến thời điểm này đơn đặt hàng trước cho năm 2023 đã lên đến 400.000 tấn gạo. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy gạo thương hiệu riêng của Việt Nam đã được người tiêu dùng EU đón nhận.