Thực tế, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ các tuyến quốc lộ qua tỉnh Phú Thọ gặp nhiều thiệt hại, nhất là địa bàn huyện Tam Nông.
Hệ quả của mưa lũ đã gay sự cố sập cầu Phong Châu khi gãy trụ T7 và sập 2 nhịp từ trụ T6 đến trụ T8 khiến giao thông gián đoạn. Cùng với đó, nước lũ dâng cao trên sông Hồng cũng đang đe doạ tới các cầu bắc qua sông này.
Hiện nay, cơ quan chức năng đã xác định một số cây cầu cần phải hạn chế phương tiện giao thông để đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện qua lại trên cầu.
Cụ thể, cơ quan chức năng đã tiến hành cấm toàn bộ phương tiện xe cơ giới lưu thông qua cầu Tứ Mỹ, cầu Trung Hà và cầu Phong Châu. Tại Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội cũng đã hạn chế các phương tiện lưu thông trên cầu Chương Dương.
Đối với cầu Tứ Mỹ, đây là cây cầu được xây dựng tại tại km26+500 quốc lộ 32C. Hiện, cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ xác định cầu Tứ Mỹ đã xuống cấp và đang được nâng cấp sửa chữ, có dấu hiệu xói lở trụ cầu.
Vì vậy, trong bối cảnh nước sông Hồng dâng cao, cầu Tứ Mỹ không đảm bảo an toàn giao thông. Cơ quan chức năng đã hạn chế phương tiện đi qua cầu này.
Đối với cầu Trung Hà tại km64+639 quốc lộ 32 bắc qua sông Đà nối Thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Thọ có chiều dài 743,6m gồm 14 nhịp.
Cầu Trung Hà được khởi công vào năm 1999 và khánh thành ngày 20/4/2002. Sau hơn 20 năm sử dụng hiện cầu Trung Hà đang xuống cấp nghiêm trọng.
Một số trụ của cầu Trung Hà kết nối Phú Thọ - Hà Nội đang xuất hiện tình trạng đứt, gãy đổ, xói lở trụ cầu. Để đảm bảo an toàn khi lưu thông qua cầu các cơ quan chức năng đã tiến hành phương án hạn chế tốc độ, trọng lượng xe khi qua cầu Trung Hà.
Tương tự, cầu Chương Dương (Hà Nội) được khởi công vào năm 1983, hoàn thành năm 1985. Cầu Chương Dương là cây cầu huyết mạch nơi cửa ngõ phía Đông của Thủ đô, kết nối hai bờ sông Hồng.
Cầu Chương Dương là cầu thép - bê tông hoàn toàn do các kỹ sư và công nhân Hà Nội thiết kế, thi công trong thời gian ngắn. Cầu lấy tên một bến trên sông Hồng, nơi đã vang lừng chiến thắng đánh bại quân Nguyên - Mông vào thế kỷ XIII, để khơi dậy khí thế Chương Dương trong thi đua lao động sản xuất, trên tinh thần tự lực, tự cường của Việt Nam.
Ngoài ra, còn có cầu Đuống nối quận Long Biên với huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Cầu Đuống được đưa vào khai thác năm 1902, từng bị đánh sập trong cuộc chiến tranh chống Mỹ và được xây dựng lại vào năm 1981 đang xuống cấp nghiêm trọng.
Vào năm 2010, cầu Đuống được Hà Nội đại tu nâng cấp chào mừng 1.000 năm thăng long Hà Nội. Vào tháng 7/2023, Bộ Giao thông Vận tải khởi công xây dựng hai cầu đường sắt và cầu đường bộ qua sông Đuống (thuộc dự án nâng cấp vận tải thủy sông Đuống), thay thế cho cầu Đuống cũ khai thác chung đường sắt và đường bộ.
Tại tỉnh Yên Bái, có cầu Yên Bái là một cây cầu bắc qua sông Hồng trên Quốc lộ 37 tại TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Cầu Yên Bái nằm ở trung tâm thành phố Yên Bái, nối liền hai phường Hồng Hà và Hợp Minh. Đây là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Cầu Yên Bái được xây dựng theo công nghệ cũ với kết cấu dàn thép, có chiều dài 305m, chiều rộng là 12,5 m. Cầu Yên Bái được khởi công xây dựng vào ngày 3/1/1990 và được khánh thành vào ngày 30/12/1992.
Do nước trên sông Hồng dâng cao, Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái đã ban hành Công văn số 1576/SGTVT-QLCCHTGT thông báo về việc cấm lưu thông qua cầu Yên Bái (Km280+500, quốc lộ 37) để đảm bảo an toàn trước tình hình mực nước sông Thao (sông Hồng) dâng cao.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã yêu cầu các cơ quan huy động các lực lượng tham gia khắc phục các sự cố về mưa lũ.
Về khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu (Km18+300, QL32C), tỉnh Phú Thọ, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Sở Giao thông vận tải Phú Thọ và các cơ quan, đơn vị có liên quan của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương điều động nhân lực, phương tiện, thiết bị, vật tư tham gia khắc phục sự cố; tổ chức tìm kiếm cứu nạn; tổ chức phân luồng đảm bảo giao thông và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.