Chịu Biến Chứng Nặng Nề Sau 18 Năm Tiêm Chất Làm Đầy

Người phụ nữ 42 tuổi, tiêm chất làm đầy 18 năm trước, nay đau tức ngực, sưng nề, ngực phải biến dạng nặng, nhập viện cấp cứu.

Ngày 15/3, bác sĩ Phạm Thị Việt Dung, Trưởng bộ môn Phẫu thuật Tạo hình, Đại học Y Hà Nội, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngực sưng nề, biến dạng, mất cân đối.

1635-chiu-bien-chung-nang-ne-sau-18-nam-tiem-chat-lam-day_65f47f9d54d1d.jpg
Ảnh chụp MRI ngực bệnh nhân do bác sĩ cung cấp. Nguồn: Vnexpress

Năm 2003, bệnh nhân tiêm chất làm đầy PAAG vào ngực tại một cơ sở thẩm mỹ ở Trung Quốc. Từ đó đến nay, người bệnh không có bất cứ can thiệp hay biến chứng nào. Khoảng một năm nay, hai bên ngực chị sưng nề nhanh, gây đau đớn, mất thẩm mỹ. Kết quả chụp MRI phát hiện hình ảnh bao xơ nằm trước cơ ngực lớn, ngực phải có cấu trúc dạng nang kích thước 16x10 cm, chỉ định phẫu thuật.

Bác sĩ phẫu thuật, hút bỏ hơn một lít dịch dạng lỏng hơi sệt vàng nhạt giống sữa, giải phẫu bệnh cho thấy phản ứng viêm hạt dị vật.

Sau hai tháng, hình dạng hai bên ngực tương đối cân xứng, da ngực co hồi tốt, sờ mềm mại, không có dịch tồn dư hay tái phát.

Polyacrylamide hydrogel (PAAG) là một dạng chất làm đầy tồn tại vĩnh viễn, được sử dụng từ thập niên 80 để làm đầy cho vùng mặt và tăng thể tích ngực tại Trung Quốc, các nước Đông Âu. PAAG được tiêm vào ngực giúp điều chỉnh hình dạng và tăng thể tích. Thủ thuật được thực hiện dưới gây tê cục bộ, PAAG được đưa vào thông qua đường rạch nhỏ ở nếp lằn vú.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấm sử dụng PAAG để tiêm làm đầy ngực. Việt Nam chưa có các báo cáo khoa học về biến chứng do các chất làm đầy này.

Các biến chứng sau tiêm PAAG là đau, sẩn cục dưới da, biến dạng tăng thể tích vú bất thường, tụ huyết thanh, nang bọc sữa...

Bác sĩ khuyến cáo các chị em nên lựa chọn cơ sở uy tín, người có chuyên môn phẫu thuật, tránh các biến chứng nặng nề.

 

Theo Vnexpress