Pin trong đồ chơi có rất nhiều hình dạng từ pin bé như cúc áo đến pin cột to. Rất nhiều loại đồ chơi cần năng lượng lớn có thể cùng lúc sử dụng đến 4 hoặc 5 cột pin. Đã có rất nhiều nghiên cứu và lời cảnh báo về sự độc hại mà pin ảnh hưởng đến trẻ. Cũng đã có khá nhiều trường hợp được ghi nhận về tai nạn do pin gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của bé.
Trẻ bị đa chấn thương phần mềm do đồ chơi bằng pin phát nổ
Cụ thể, theo thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy tỉnh Quảng Ninh, đơn vị này vừa tiếp nhận cấp cứu trường hợp bệnh nhi bị đa chấn thương phần mềm do đồ chơi bằng pin bất ngờ phát nổ.
Bệnh nhi Lương N.M (10 tuổi, trú tại huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng tỉnh, vết thương do dị vật ở nhiều vị trí bàn tay, cẳng tay, cẳng chân, ngực, bụng chảy máu. Trước đó, bệnh nhi chơi đồ chơi bị nổ pin và các mảnh vỡ bóng đèn văng vào người.
Bệnh nhi nhanh chóng được thăm khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm. Kết quả chụp Xquang, Ctscaner ổ bụng phát hiện nhu mô gan hạ phân thùy IV có nốt cản quang dạng dị vật kích thước 6mm, phần mềm ngực trái có nhiều nốt cản quang dị vật kèm theo các ổ tụ khí trong phần mềm.
Đồ chơi bằng pin tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn đáng tiếc cho trẻ nhỏ. Ảnh minh họa
Các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa chẩn đoán vết thương phần mềm dị vật nhiều vị trí, vết thương thấu bụng có dị vật ở gan. Ekip phẫu thuật trực ngoại đã nhanh chóng thực hiện phẫu thuật cấp cứu lấy dị vật tại vị trí tổn thương, nối gân gấp nông ngón V bàn tay cho bệnh nhi. Sau phẫu thuật tình trạng bệnh nhi ổn định và được xuất viện.
Theo bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Bãi Cháy, trên thực tế có rất nhiều trường hợp trẻ chơi đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém và phát nổ dẫn đến tổn thương nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống do chấn thương, di chứng để lại như tổn thương thủy tinh thể, mù mắt, cụt ngón, bàn tay hoặc chân… thậm chí tử vong tại chỗ do tổn thương tại những bộ phận quan trọng trong cơ thể như tim, gan, phổi do dị vật.
Trường hợp bệnh nhi này may mắn được cấp cứu và phẫu thuật kịp thời kiểm soát, xử trí tốt, không để lại di chứng nặng nề. Tuy nhiên đây là hồi chuông cảnh báo đến các bậc phụ huynh trong chọn lựa, kiểm soát đồ chơi cho trẻ. Bởi thực tế tác hại của đồ chơi có pin còn nguy hiểm hơn nhiều.
Tác hại từ đồ chơi sử dụng pin
Pin trong đồ chơi thường rất bé, với sự tò mò khám phá trẻ thường tự tay tháo pin để lắp ráp và chơi. Với nhiều trẻ, chơi cùng pin luôn là một trò chơi hấp dẫn, tuy nhiên nó tiềm ẩn tác hại không lường trước mà pin trong đồ chơi trẻ em gây ra có thể kể đến như:
Gây nhiễm độc chì: Chì được biết đến là độc tố với sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ. Trong pin luôn chứa một lượng chì rất lớn. Khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với chì trong một khoảng thời gian liên tục có thể gây nhiễm độc chì ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Nặng có thể gây tử vong.
Chì ăn mòn xương: Nhiều trường hợp được ghi nhận, khi chì trong pin đi vào cơ thể hay tiếp xúc sâu với những phần cơ thể bị hở, nó có thể ăn mòn xương vô cùng nguy hại.
Trẻ dễ nuốt pin khi chơi: Ngoài tác hại nguy hiểm từ chì trong pin thì pin trong đồ chơi trẻ em có nhiều loại rất bé, được thiết kế bề mặt trơn nhẵn, nhỏ như chiếc cúc áo luôn hấp dẫn sự tò mò của bé và rất dễ làm trẻ nuốt phải. Đây là tai nạn cực kỳ nguy hiểm mà các bậc cha mẹ không dễ kiểm soát được.
Do đó cha mẹ cần chọn đồ chơi có nhãn mác, thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nơi bán uy tín cho trẻ để giảm nguy cơ mất an toàn do nổ pin, hướng dẫn trẻ chơi đồ chơi đúng cách.
Trong trường hợp muốn cho bé chơi những đồ chơi có sử dụng pin như ô tô, trống, kèn, đèn lồng phát sáng… nên sử dụng loại có gắn vít ở chỗ lắp pin để bé không thể tự tháo, lắp pin. Để đồ chơi có pin xa những nơi có nguồn nhiệt cao, tránh va đập mạnh, nếu có dấu hiệu hư hỏng tốt nhất là nên loại bỏ.
Không để pin ở bên ngoài hộc đựng pin của đồ chơi. Trẻ có thể chơi những khối pin này, thậm chí nuốt chúng, từ đó gây ra chấn thương nghiêm trọng. Giám sát các thiết bị cần sạc pin. Khi pin đầy, rút dây cắm sạc, tránh sạch quá nhiều đôi khi làm pin quá tải và gây nổ. Yêu cầu trẻ không được vừa sạc pin vừa chơi đồ chơi.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em
Để kiểm soát chất lượng, độ an toàn đồ chơi trẻ em, Bộ KH&CN đã ban hành QCVN 3:2019/BKHCN quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em.
Quy chuẩn quy định yêu cầu đối với đồ chơi trẻ em nhằm giảm thiểu các mối nguy và rủi ro liên quan đến an toàn, sức khoẻ của trẻ, phương pháp thử tương ứng, các nội dung quản lý đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường. Quy chuẩn áp dụng với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ đồ chơi trẻ em, các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
QCVN 3:2019/BKHCN quy định chất lỏng có thể tiếp xúc trong đồ chơi trẻ em không được có pH nhỏ hơn 3,0 hoặc lớn hơn 10,0. Yêu cầu này không áp dụng cho mực viết trong dụng cụ viết. Các chi tiết vải dệt có thể tiếp xúc không được chứa hàm lượng formaldehyt tự do và formaldehyt đã thủy phân vượt quá 30 mg/kg. Các chi tiết giấy có thể tiếp xúc không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30 mg/kg. Các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán có thể tiếp xúc không được chứa hàm lượng formaldehyt giải phóng vượt quá 80 mg/kg.
Đồ chơi trẻ em không được có hàm lượng các phtalat di (2-etylhexyl), phtalat (DEHP), dibutyl phtalat (DBP) hoặc butyl benzyl phtalat (BBP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat. Đồ chơi trẻ em có thể cho vào miệng không được có hàm lượng các phtalat diisononyl phtalat (DINP), diisodecyl phtalat (DIDP) hoặc di-n-octyl phtalat (DNOP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat. Hàm lượng các amin thơm (bao gồm cả dẫn xuất từ thuốc nhuộm azo trong mẫu) có trong vật liệu sản xuất đồ chơi trẻ em không được vượt quá mức quy định trong quy chuẩn này.
QCVN 3:2019/BKHCN nêu rõ, đồ chơi trẻ em phải đáp ứng yêu cầu giới hạn mức thôi nhiễm về hợp chất hữu cơ độc hại khác quy định tại các văn bản có liên quan. Đồ chơi trẻ em không được dùng nguồn điện có điện áp danh định vượt quá 24 V và không bộ phận nào trong đồ chơi trẻ em có điện áp danh định hoặc tức thời vượt quá 24 V. Các bộ phận trong đồ chơi trẻ em nếu được nối hoặc có thể tiếp xúc với nguồn điện có điện áp danh định vượt quá giới hạn nêu trên cũng như dây dẫn, cáp điện nối đến các bộ phận này phải được cách điện và bảo vệ thích hợp để ngăn ngừa rủi ro về điện.
Việc ghi nhãn đồ chơi trẻ em thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá. Các quy định về cảnh báo nêu trong tiêu chuẩn tương ứng phải được thể hiện trên nhãn hàng hóa. Đồ chơi trẻ em phải được công bố hợp quy phù hợp quy định của Quy chuẩn này trên cơ sở kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức chứng nhận được chỉ định. Đồ chơi trẻ em trước khi lưu thông trên thị trường phải gắn dấu hợp quy.
Theo Vietq.vn