Hà Nội: Tạm giữ hàng nghìn sản phẩm đồ chơi bạo lực không tem nhãn

Vừa qua, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã kiểm tra đột xuất 1 cơ sở kinh doanh trên địa bàn phường Đống Đa, tại đây, tổ công tác đã phát hiện và tạm giữ hàng nghìn sản phẩm đồ chơi bạo lực trẻ em không có nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo thông tin từ Tổng cục QLTT, ngày 10/8/2022, Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra địa điểm kinh doanh tại Địa chỉ: Số 19A1 ngách 74 ngõ Thịnh Hào 1, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, TP Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 4 phát hiện tại cơ sở đang kinh doanh: 20 thùng hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc gồm có 400 chiếc đồ chơi trẻ em bằng nhựa, hình dạng kiếm, không có nhãn hàng hóa và 2400 chiếc đồ chơi trẻ em bằng nhựa, dạng hình gậy, có phát sáng khi lắp pin, hàng hóa chưa có pin, không có nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 4 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. 

IMG_20220811_103337

 

 

Trước đó, tại, lực lượng chức năng TP Hà Nội cũng thu giữ gần 2.000 sản phẩm đồ chơi mô hình súng bằng nhựa do nước ngoài sản xuất, tại 2 kho hàng kinh doanh tập kết số lượng lớn đồ chơi bạo lực ở xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: "Người bán sử dụng mạng xã hội bán hàng, tập kết ở ngoại thành để cung cấp đến các cửa hàng, không bán công khai".

do-choi-bao-luc1-0716

 

Được biết, pháp luật Việt Nam quy định, đồ chơi trẻ em là mặt hàng bắt buộc phải có chứng nhận hợp quy của cơ quan quản lý chất lượng chuyên ngành thì mới đảm bảo an toàn để lưu thông trên thị trường. Nhưng các lô đồ chơi được phát hiện trong những vụ việc nêu trên đều không rõ nguồn gốc xuất xứ; không được chứng nhận chất lượng và không có hóa đơn chứng từ. Điều nguy hiểm hơn, những món đồ chơi này nằm trong nhóm đồ chơi bạo lực, không được tiêu thụ trên thị trường.

Chia sẻ về những món đồ chơi này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, những món này thường được làm từ nhựa tái chế. Ở nhiều nước, loại nhựa tái chế không được dùng để sản xuất ra sản phẩm dễ tiếp xúc với con người bởi nhựa đã qua sử dụng, nhất là những loại nhựa đựng hóa chất nói chung rất độc hại. Loại nhựa này đã tiếp xúc với những chất khác, khi đem vào sản xuất lại thường không được làm sạch nên trong quá trình nhựa hóa, các hóa chất đọng lại sẽ khuếch tán ra ngoài.

Đặc biệt đối với đồ chơi bằng nhựa luôn có chất hóa dẻo phthalate, đây là chất có thể gây ra ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormon của trẻ. Nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn là rất cao nếu trẻ ngậm, ôm đồ chơi. Sở dĩ, chất phthalate được sử dụng sản xuất đồ nhựa vì giá thành của nó rẻ gấp 10 lần so với sử dụng các chất thay thế khác. Để cạnh tranh giá nhiều doanh nghiệp đã sử dụng chất này để sản xuất đồ nhựa giảm giá thành.

Nhựa tái chế sẽ không thể đẹp như nhựa nguyên sinh do đó bắt buộc người sản xuất phải cho phẩm màu để che đi khuyết điểm của sản phẩm. Dung dịch màu đó không phải là màu thực phẩm mà là màu dành cho ngành công nghiệp. Chất màu này phần lớn là các hợp chất mạch vòng nên rất độc, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về thể chất và tinh thần chưa hoàn thiện của trẻ. Vì vậy, sản phẩm đồ chơi có màu sắc càng sặc sỡ thì mức độ nguy hại càng cao.

Để làm rõ tính chất độc hại của các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trước đó Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ hóa học đã từng tiến hành kiểm nghiệm đối với một số mẫu đèn lồng nhựa không rõ xuất xứ bán trên thị trường. Kết quả cho thấy, lượng muối cadimi (Cd) trong sơn phủ có hàm lượng cao gấp 123 lần mức cho phép.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thanh Mai (nguyên giảng viên trường ĐH Văn hóa) thì đồ chơi bạo lực, nguy hiểm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây tác động tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.

Bất kể một loại đồ chơi nào cũng ảnh hưởng đến tâm lý. Một món đồ chơi thông minh sẽ giúp trẻ vừa giải trí, vừa phát triển trí tuệ. Nhưng những loại đồ chơi bạo lực tác động tiêu cực đến trẻ sẽ ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều.

Bởi đồ chơi là những thứ mà trẻ tiếp xúc, cảm nhận ngay từ những khoảnh khắc đầu đời và có ảnh hưởng lâu dài về sau. Ðồ chơi phải có tính phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ. Nếu để trẻ nhỏ tiếp xúc với những loại đồ chơi mang tính bạo lực: súng, pháo… sẽ tác động sâu sắc đến tính cách của trẻ: tạo nên tính hung dữ, bạo lực.

Theo Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo