Cẩn trọng với đồ chơi có ánh sáng laser
Theo Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch Hoạt hóa cho biết, những ánh sáng nhấp nháy phát ra từ đèn laser có trong đồ chơi thường thu hút các bé và nhìn chằm chằm vào đó gây phản xạ chớp mắt liên tục, đặc biệt với những loại có ánh sáng mạnh phát ra có thể làm mắt trẻ bị tổn thương, trở nên mỏi và yếu hơn.
Đồ chơi có ánh sáng laser rất dễ gây tổn thương mắt cho trẻ
Ngoài ra, ánh sáng laser thường có ở những loại súng đồ chơi phát tia laser, que phát sáng laser cầm tay, bút laser dùng cho thuyết trình… Đây là loại ánh sáng cực nguy hiểm thường làm trẻ em bị thương nghiêm trọng về mắt, có thể gây mù lòa vĩnh viễn. Điều đáng lo ngại là tia laser thường không tổn thương ngay mà khiến cho tầm nhìn kém đi từ từ theo thời gian. Phụ huynh cần phải hết sức để ý đến con em mình vì tổn thương mắt gây ra bởi ánh sáng từ tia laser có thể không được chú ý trong nhiều ngày hoặc thậm chí cả tuần vì không có dấu hiệu tổn thương nào. Một thời gian dài sau đó, thấy mắt mờ đi thì đã quá muộn.
Nhìn thẳng vào một tia laser phát ra từ đồ chơi còn nguy hiểm hơn cả nhìn thẳng vào mặt trời. Cần tránh cho bé không bị chiếu laser trực tiếp vào mắt bởi kể cả động vật bị nhắm tia laser trực tiếp vào mắt cũng xảy ra hậu quả khôn lường. Khả năng thị lực của trẻ sơ sinh chỉ bằng 1/30 so với người lớn, phụ huynh hãy cẩn trọng lựa chọn đồ chơi cho trẻ, tránh những hệ lụy không đáng.
Âm thanh trong đồ chơi cũng cần được quan tâm
Những âm thanh lớn, bắt tai thường thu hút chú ý từ trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đồ chơi phát ra âm thanh quá lớn, lại nghe liên tục dẫn đến khả năng bị hỏng tai, điếc tai, thủng màng nhĩ, nghễnh ngãng, suy giảm khả năng nghe là cực kỳ lớn. Đây chính là hậu quả của tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, khi nghe âm thanh to quá mức hoặc sống ở những nơi có quá nhiều tiếng ồn.
Đồ chơi có âm thanh quá lớn cũng gây ra tổn thương cho sức khỏe trẻ nhỏ
Theo TS. Nguyễn Văn Khải, tai trẻ nhỏ rất mỏng, nhạy cảm, hệ thống màng nhĩ, các dây thần kinh còn yếu, chưa phát triển hoàn thiện. Việc nghe những âm thanh có tần số quá cao sẽ hủy hoại khả năng nghe sau này của trẻ.
Hiện nay, các đồ chơi điện tử có tiếng ồn lớn ngày càng trở nên phổ biến. Khuyến cáo đưa ra, ở trẻ em giới hạn tiếp xúc an toàn với âm thanh chỉ ở mức dưới 70 decibels (dBA). Nếu cường độ âm thanh quá giới hạn trên sẽ tác động có hại đến trẻ. Không chỉ giày dép mà nhiều loại đồ chơi có độ ồn vượt quá ngưỡng giới hạn chịu đựng của trẻ như đồ chơi điện thoại di động, xe cứu hỏa, súng máy cảnh sát, súng bắn, lính robot…
Đồ chơi gỗ cũng chưa chắc đã an toàn
Theo chuyên gia về đồ chơi và thiết bị trường học Lê Anh Dũng, khi dùng đồ chơi gỗ, về cơ bản trẻ tránh được các nguy cơ khi tiếp xúc như hóa chất, khả năng gây thương tích cũng như tránh được nguy cơ gãy, hỏng do va đập. Tuy nhiên, đồ chơi gỗ chỉ thực sự an toàn khi nó làm bằng gỗ không qua xử lý hóa chất độc hại, không sử dụng sơn kém chất lượng, keo dán thứ phẩm… để tạo ra mẫu mã bắt mắt.
Hầu hết, đồ chơi gỗ được sơn, nhuộm màu, kém chất lượng sẽ tồn dư andehit, trẻ ngửi phải sẽ khó thở. Để các chi tiết dính lại với nhau phải dùng keo dán gỗ, không ít loại keo dán có chứa formaldehyde và kim loại nặng. Ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe nếu tiếp xúc.
Đồ chơi bằng gỗ an toàn nhất chính là đồ chơi làm từ gỗ mộc mạc (xếp hình gỗ, nhà gỗ, xe gỗ...) bởi gỗ có nguồn gốc từ thiên nhiên nên sẽ an toàn cho trẻ. Dù thời gian dài bao lâu thì những món đồ chơi an toàn bằng gỗ cũng sẽ vẫn được lưu trữ. Nên chọn những đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Nên kiểm tra đồ chơi của trẻ thường xuyên. Hãy tìm các bộ phận bị hư hỏng mà có thể nguy hiểm cho trẻ như mảnh vụn trên đồ chơi bằng gỗ, những bộ phận rời nhỏ, hoặc dây tiếp xúc và sửa lại cho trẻ.
|
Theo Vietq.vn