Tăng huyết áp xảy ra khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch quá cao, là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim và đột quỵ, nhất là ở người cao tuổi.
Tình trạng này rất nguy hiểm vì không có triệu chứng cụ thể, thường phát hiện khi khám và đo huyết áp. Ngoài dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, một số cách dưới đây có thể giúp hạ huyết áp.
Ăn uống cân bằng
Chế độ ăn uống góp phần đáng kể để giảm huyết áp cao. Người thường xuyên tăng huyết áp nên hạn chế các món nhiều dầu mỡ, đồ ăn đã qua chế biến, đóng hộp và đồ ăn nhanh như mì ống, pizza, bánh mì kẹp thịt, khoai tây chiên hoặc thực phẩm khác có chất làm ngọt nhân tạo.
Dung nạp quá nhiều natri (muối) làm tăng huyết áp tự nhiên. Người cao huyết áp nên giảm lượng muối, thức ăn mặn và chỉ chọn loại có hàm lượng natri thấp.
Uống đủ nước
Uống 8-10 ly nước mỗi ngày có thể kiểm soát các vấn đề liên quan đến huyết áp. Mất nước có thể phá vỡ sự cân bằng muối (natri), khoáng chất và lượng đường trong máu, cản trở các hoạt động thường ngày bao gồm cả cân bằng huyết áp.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Duy trì cân nặng phù hợp là yếu tố cần thiết để kiểm soát huyết áp. Huyết áp có xu hướng tăng khi trọng lượng cơ thể tăng lên. Chỉ số khối cơ thể khỏe mạnh (BMI) trong khoảng 18,5-24,9. Để giữ dáng, người bệnh nên ăn uống cân bằng, nhiều rau quả, chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt và tập thể dục hàng ngày.
Tập thể dục đều đặn
Thể dục không chỉ giúp tim bơm máu hiệu quả hơn mà còn hỗ trợ giảm cân - yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp. Người bệnh có thể tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần. Các bài tập phù hợp gồm bơi lội, đạp xe, thể dục nhịp điệu, yoga, chạy bộ...
Tránh uống rượu, bia
Người cao huyết áp không nên uống rượu hoặc chỉ uống ở mức độ vừa phải. Nữ giới khỏe mạnh chỉ uống tối đa một ly và hai ly mỗi ngày đối với nam giới.
Rượu bia có chứa calo, góp phần làm tăng cân không mong muốn. Ngoài ra, rượu có nguy cơ tương tác với một số loại thuốc điều trị huyết áp, ảnh hưởng đến kết quả chữa bệnh.
Bỏ thuốc lá
Thuốc lá có thể gây căng thẳng và thu hẹp mạch máu, từ đó khiến huyết áp tăng không mong muốn. Ngừng hút thuốc có thể giúp chỉ số trở lại bình thường. Bỏ thuốc lá làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng như cải thiện sức khỏe tổng thể.
Kiểm soát căng thẳng
Khi ở trạng thái căng thẳng, cơ thể sản sinh ra một lượng hormone. Những hormone này tạm thời làm tăng huyết áp bằng cách khiến tim đập nhanh hơn đồng thời thu hẹp mạch máu. Căng thẳng quá mức và kéo dài có nguy cơ cao huyết áp.
Stress thường xuyên cũng góp phần dẫn đến huyết áp cao, nhất là khi ăn thực phẩm không lành mạnh, uống rượu hoặc hút thuốc để giải tỏa căng thẳng. Tập thiền, yoga, hít thở sâu hay thực hiện bất kỳ hoạt động yêu thích nào hỗ trợ cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng.
Theo dõi huyết áp thường xuyên
Người có tiền sử huyết áp cao nên theo dõi huyết áp tại nhà thường xuyên, cần đi khám để bác sĩ chẩn đoán và kê thuốc phù hợp.
Theo Vnexpress