Chị Đ.N.B.C. (trú phường Thủy Xuân, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết bản thân cảm thấy bất ngờ khi phát hiện mã số thuế cá nhân của mình bị một công ty du lịch sử dụng trái phép làm chị bị nợ thuế.
Không được quyết toán thuế vì bỗng dưng bị nợ thuế
Theo đó, mới đây chị C. đến Chi cục Thuế TP Huế để quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2023. Nộp đầy đủ các hồ sơ thủ tục, chị C. bất ngờ khi được phía cơ quan thuế thông báo còn nợ tiền thuế từ nhiều năm trước nên không thể thực hiện quyết toán thuế và yêu cầu chị C. đóng tiền thuế còn nợ.
Sau đó, chị được nhân viên thuế hướng dẫn cài ứng dụng eTax Mobile tra cứu thuế trên điện thoại thì mới tá hỏa phát hiện mã số thuế của chị được một công ty du lịch trên địa bàn TP Huế sử dụng trái phép để chi trả số tiền hàng trăm triệu đồng từ năm 2017 đến nay.
Ngay lập tức chị C. đến trụ sở của công ty trên để đề nghị giải thích. Tuy nhiên sau khi kiểm tra, phía công ty này chỉ trả lời là có sai sót và "sai thì sửa".
"Trên hệ thống thông báo thuế đến nay vẫn báo tôi nợ hơn 1,4 triệu đồng từ phía công ty trên. Việc nợ thuế này ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi, đầu tiên là tôi không thể quyết toán số tiền thuế được giảm trừ từ năm 2023 và sau đó tôi không thể làm hộ chiếu để đi nước ngoài. Dự định đi du lịch vào kỳ nghỉ hè này của tôi phải bỏ ngang", chị C. bức xúc nói.
Bỗng dưng nợ thuế, người dân phải làm gì?
Chị C. ngay sau đó đã làm đơn phản ảnh gửi Cục Thuế Thừa Thiên Huế, khẳng định từ năm 2017 đến nay không hề nhận bất kỳ một khoản thu nhập nào từ phía công ty du lịch nói trên.
Ngay sau đó, hệ thống tra cứu thuế đã gỡ hết toàn bộ thông tin liên quan đến công ty trên trả tiền lương cho chị C. từ năm 2018 đến nay. Tuy nhiên năm 2017, trên hệ thống vẫn thể hiện chị C. nhận thu nhập từ công ty nói trên.
"Điều mà tôi rất bực mình là sau khi nhận phản ảnh, phía công ty trên chưa hề có lời xin lỗi nào thỏa đáng gửi đến tôi, dù họ đã sử dụng trái phép mã số thuế cá nhân của tôi hơn tám năm trời", chị C. nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Thuế Thừa Thiên Huế cho biết đã tiếp nhận đơn phản ảnh của chị C..
Theo vị đại diện này, về mặt luật pháp, theo quy định tại khoản 5 điều 143 Luật Quản lý thuế, hành vi sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế, xác định sai số tiền thuế phải nộp sẽ là hành vi trốn thuế.
"Cơ quan thuế khi phát hiện việc sử dụng sai mã số thuế sẽ xác định chính xác hành vi vi phạm là khai sai do nhầm lẫn hay do cố tình khai sai để xử phạt", đại diện Cục Thuế Thừa Thiên Huế nói.
Sử dụng thông tin cá nhân của người khác là trái pháp luật
Luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho biết theo quy định của pháp luật, thông tin cá nhân như mã số thuế là thông tin được pháp luật bảo vệ.
Theo khoản 5 điều 7 Luật An toàn thông tin mạng 2015 thì việc thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân là hành vi trái pháp luật.
Theo ông Cao, đối với hành vi trên tùy mức độ theo quy định pháp luật có thể chịu một số trách nhiệm pháp luật như hành chính, dân sự hoặc hình sự.
Về trách nhiệm hành chính, căn cứ điều 84 nghị định số 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 30 điều 1 nghị định số 14/2022/NĐ-CP các cá nhân, tổ chức thu thập, sử dụng trái phép thông tin cá nhân người khác có thể bị xử phạt từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng.
Ngoài ra, đối với hành vi trốn thuế, doanh nghiệp hoặc cá nhân trốn thuế tùy mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm về hành vi trốn thuế. Cá nhân bị xâm phạm thông tin mã số thuế gây ra thiệt hại có thể yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại.
"Đối với người dân, khi phát hiện việc mã số thuế bị xâm phạm, sử dụng trái luật người dân cần thông báo cho cơ quan quản lý thuế biết mình không có các khoản thu nhập liên quan đến thông tin mã số thuế bị sử dụng trái phép. Đồng thời có thể báo cho cơ quan quản lý có thẩm quyền để điều tra, xử lý các cá nhân, doanh nghiệp đã sử dụng trái phép mã số thuế của mình", ông Cao nói.