BỆNH VIÊM GAN B LÂY QUA ĐƯỜNG NÀO VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH?

Viêm gan B lây qua 3 đường chính: máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Để phòng tránh bệnh, bạn cần tiêm ngừa vắc-xin theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Bệnh viêm gan B lây qua đường nào và cách phòng tránh?

Tùy theo mức độ, viêm gan B có thể chỉ kéo dài nhẹ vài tuần cho đến trở thành một bệnh lý nghiêm trọng, ảnh hưởng suốt đời của người bệnh. Vậy bệnh viêm gan B lây qua đường nào và làm thế nào để phòng tránh?

1. Viêm gan B là gì?

Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng ở gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Theo thống kê, tại Việt Nam cứ 8 người thì có 1 người nhiễm viêm gan siêu vi B. Ước tính vào năm 2015, có 257 triệu người đang sống chung với virus viêm gan siêu vi B và theo WHO 2018 bệnh viêm gan siêu vi B gây ra 887000 ca tử vong, phần lớn do biến chứng, xơ gan và ung thư gan.

2. Triệu chứng điển hình của người bị viêm gan B

Khi mới nhiễm (giai đoạn đầu), người bệnh hầu như không có triệu chứng gì đặc biệt. Các triệu chứng như vàng da, vàng mắt, chán ăn, đau hạ sườn phải, mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu... chỉ xuất hiện khi bệnh đã có biến chứng. Vì thế, viêm gan siêu vi B còn được ví như “sát thủ thầm lặng”. Để nhận biết sớm bản thân có nhiễm virus viêm gan B hay không, các chuyên gia khuyến khích mọi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ đều đặn.

3. Bệnh viêm gan B lây qua đường nào?

Bệnh viêm gan B lây qua 3 đường chính, bao gồm:

bệnh viêm gan B lây qua đường nào

Viêm gan B được xếp vào loại bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây từ người này sang người khác

Máu

Một người có thể bị nhiễm viêm gan B qua đường máu khi:

- Dùng chung kim tiêm.

- Tiếp xúc trực tiếp với máu người bệnh qua vết thương hở.

- Tiếp nhận máu bị nhiễm HBV.

- Dùng chung các vật dụng cá nhân có khả năng lây nhiễm cao như dao cạo, bàn chải đánh răng, chỉ nha khoa…

- Thực hiện phẫu thuật với bộ dụng cụ chưa được xử lý đúng quy cách.

Quan hệ tình dục

Bên cạnh máu, dịch âm đạo và tinh dịch là những nơi “cư ngụ” của virus viêm gan B. Vì thế, quan hệ tình dục không an toàn (không dùng bao cao su hoặc dùng chung dụng cụ tình dục không được khử trùng đúng cách) có thể khiến bạn đứng trước nguy cơ mắc viêm gan B cũng như các bệnh truyền nhiễm khác. Phương thức lây truyền này thường xảy ra ở quan hệ đồng giới, quan hệ tập thể, quan hệ với trai/ gái mại dâm…

Từ mẹ sang con

Trường hợp viêm gan B truyền từ người mẹ sang con thường xảy ra trong giai đoạn chu sinh (bắt đầu từ tuần thứ 28 của thai kỳ đến ngày thứ 7 sau khi sinh) cho đến những tháng đầu kể từ lúc trẻ chào đời. Tuy nhiên, không phải người mẹ nào bị viêm gan B cũng lây cho con. Điều này còn phụ thuộc vào:

- Số lượng virus có trong cơ thể mẹ (tính theo ADN) trong ba tháng cuối thai kỳ.

- Nồng độ HBeAg (đoạn kháng nguyên vỏ capsid của HBV) trong người mẹ bầu với thời gian mang thai.

Vậy người mẹ bị viêm gan B có cho con bú được không?

Thực tế, HBV có khả năng xuất hiện trong tuyến sữa mẹ với hàm lượng rất ít. Do đó, trẻ chỉ có thể nhiễm virus từ mẹ qua đường bú nếu đầu vú của mẹ có vết thương hở miệng và chảy máu. Vì thế, nếu xác định bản thân bị bệnh, người mẹ không nên cho con bú nếu xuất hiện vết thương hở ở đầu vú.

Lưu ý:

- Virus viêm gan B có thể tồn tại bên ngoài cơ thể trong ít nhất 7 ngày.

- Trong thời gian này, virus vẫn có thể gây nhiễm trùng nếu xâm nhập vào cơ thể của người không được vắc-xin bảo vệ.

- Thời gian ủ bệnh của virus viêm gan B trung bình là 75 ngày, nhưng có thể thay đổi từ 30 đến 180 ngày.

- HBV có thể được phát hiện trong 30-60 ngày sau khi nhiễm và có thể tồn tại và phát triển thành viêm gan siêu vi B mãn.

4. Viêm gan B nguy hiểm không? Các biến chứng của viêm gan B

Tùy theo thể trạng của mỗi người mà mức độ nguy hiểm của viêm gan siêu vi B sẽ khác nhau. Theo CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ), đối với nhiều người, viêm gan B là một căn bệnh ngắn hạn. Thế nhưng đối với một số khác, bệnh có thể trở thành mãn tính. Về lâu dài, viêm gan B mãn tính có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng như xơ gan hoặc ung thư gan.

5. Làm thế nào để phòng tránh viêm gan B?

Để phòng tránh viêm gan B, bạn cần tiêm vắc-xin (nếu chưa bị nhiễm bệnh), sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, che tất cả các vết cắt hoặc vết thương hở và không dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng, dụng cụ chăm sóc móng tay hoặc khuyên tai với bất kỳ ai.

facetoface

Tiêm ngừa viêm gan B rất cần thiết cho cả trẻ em lẫn người trưởng thành

Trong đó, tiêm vắc-xin viêm gan B là vô cùng cần thiết với cả người lớn và trẻ em:

Với trẻ em

Theo khuyến cáo của chương trình tiêm chủng mở rộng, danh sách các mũi vacxin viêm gan B cần tiêm gồm:

- Mũi 1: trong vòng 24 giờ sau khi sinh (+ 1 mũi huyết thanh đặc hiệu chống virus B HBIG với trẻ sanh ra từ bị viêm gan B)

- Mũi 2: 2 tháng tuổi.

- Mũi 3: 3 tháng tuổi.

- Mũi 4: 4 tháng tuổi.

Với người lớn

- Mũi 1

- Mũi 2: ít nhất 1 tháng sau mũi 1.

- Mũi 3: ít nhất 6 tháng sau mũi 1.

6. Xét nghiệm viêm gan B là gì?

Xét nghiệm viêm gan B (HBV) là hình thức xét nghiệm máu để xác định bạn có đang bị nhiễm, đã từng bị nhiễm hoặc nồng độ kháng thể viêm gan B thông qua các chất:

  • HBsAg: Đây là kháng nguyên bề mặt của HBV và cũng là dấu ấn huyết thanh xác nhận đang nhiễm (tuy âm tính vẫn chưa loại trừ đang nhiễm mà cần thêm xét nghiệm khác). HbsAg xuất hiện trong máu 1-10 tuần sau khi tiếp xúc cấp với HBV, xuất hiện trước khi có triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm khác. Ngoài ra, viêm gan B được xem là là nhiễm mãn tính khi HbsAg tồn tại trong máu trên 6 tháng.

facetoface

HBsAg là xét nghiệm được thực hiện đầu tiên khi xét nghiệm viêm gan B

  • Anti-HBs: Anti-HBs xuất hiện chứng tỏ bệnh nhân đã miễn nhiễm với HBV và hầu như sẽ không bị nhiễm nữa. Anti-HBs có thể được tạo ra được khi chích ngừa.
  • HBeAg: Sự xuất hiện HBeAg là dấu hiệu cho thấy virus viêm gan B đang nhân lên và có khả năng lây lan mạnh. Trong đó:
    • HBeAg dương tính: Là một chỉ tiêu chứng tỏ virus đang hoạt động.
    • HBeAg âm tính: Virus không hoạt động hoặc virus đột biến.
  • Anti-HBe: Đây là kháng thể kháng HBeAg. Nếu:
    • Anti-HBe dương tính: Bạn có miễn dịch một phần.
    • Anti-HBe âm tính: Cơ thể chưa có miễn dịch với virus viêm gan B.
  • Anti-HBc (Anti-HBc, Anti-HBc IgG, Anti-HBc): Là kháng thể kháng lõi virus viêm gan B. Nó xuất hiện rất sớm và tồn tại suốt đời. Vì vậy xét nghiệm này là yếu tố đánh giá bệnh nhân đã bị phơi nhiễm virus viêm gan B.
  • Anti-HBc IgM: Là kháng thể kháng lõi virus viêm gan B typ IgM. Kháng thể này xuất hiện trong giai đoạn viêm gan B cấp hoặc đợt cấp của viêm gan B mạn tính.

7. Những thắc mắc thường gặp về viêm gan B

Nếu đã bị nhiễm vi rút viêm gan B trong quá khứ thì có thể bị nhiễm lại không?

Đa số nếu nhiễm viêm gan siêu vi B lúc nhỏ sẽ chuyển thành nhiễm viêm gan siêu vi B mãn tính. Còn với đa số nhiễm viêm gan siêu vi B thời kỳ trưởng thành có thể cơ thể sẽ đào thải virus và hình thành kháng thể tự thân. Nhưng vẫn có trường hợp (khoảng 20-25%) chuyển thành nhiễm viêm gan siêu vi B mãn. 

Khi nào viêm gan B trở thành mãn tính?

Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết, viêm gan B có nguy cơ trở thành mãn tính nếu người bệnh có kết quả HBsAg ít nhất 6 tháng (có hoặc không có đồng thời HBeAg). Đây là dấu hiệu chính của nguy cơ phát triển bệnh gan mãn tính và ung thư gan (ung thư biểu mô tế bào gan) sau này trong cuộc sống.

Người viêm gan B có thể sống được bao lâu?

Hầu hết những người bị bệnh viêm gan B vẫn có thể vẫn sống lâu và khỏe mạnh nếu kiểm soát tốt các biến chứng. Do đó, người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc lộ trình điều trị của bác sĩ chuyên khoa để đạt được kết quả tốt nhất.