Vậy, nên quy định lứa tuổi nào được điều khiển xe máy cho phù hợp? Cần bổ sung quy định cấp bằng lái cho đối tượng điều khiển phương tiện này như thế nào để đảm bảo an toàn? PV VOV Giao thông đối thoại với ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam xung quanh nội dung này.
PV: Thưa ông, tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông, Ban soạn thảo có đề xuất cho phép người đủ 15 tuổi được lái xe máy. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Tô An: Ở đây tôi không bận tâm câu chuyện 15 tuổi, cái quan trọng là người điều khiển phương tiện đó có đủ sức khỏe để điều khiển hay không. Một trong các điều kiện để cấp bằng là anh phải có giấy chứng nhận đủ sức khỏe. Đấy là điều kiện bắt buộc.
Dự thảo luật này thì lại không có đề cập đến bằng xe máy, mà chỉ gọi là bằng mô tô. Mà mỗi năm trên cả nước số học sinh cấp 3 đấy, độ tuổi 15, 16, 17 là mấy triệu cháu, mấy triệu cháu đấy sử dụng phương tiện mà lại không có bằng lái thì có phải tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao không. Mà đặc biệt lứa tuối ấy nhận thức còn rất hạn chế về tham gia giao thông an toàn.
Trong dự thảo luật đưa ra là giao cho bên phần giáo dục. Thế thì dạy ở trên trường, học sinh người ta có tiếp thu hay không tiếp thu cũng không rõ được, bởi vì nó có phải thi lấy bằng đâu, mà nó chỉ được giảng thôi. Và nhà trường có đủ điều kiện để dạy cả kỹ năng lái xe an toàn cho các cháu không.
Thế nên là ở đây tôi nghĩ câu chuyện là 15-16 tuổi không quan trọng, mà quan trọng là anh có đủ sức khỏe để lái hay không, chứ anh 16 tuổi, 18 tuổi, không đủ sức khỏe thì anh cũng không được lái. Nhưng bây giờ chúng ta không quy định là phải có bằng, thì có nghĩa là nghiễm nhiên, kể cả ông 18 tuổi, không đủ sức khỏe, hay ông 16 tuổi không đủ sức khỏe, ông vẫn được nghiễm nhiên được lái xe.
Đấy là một lỗ hổng lớn và nó đánh mất đi vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý.
PV: Bởi vậy, ông đã đề xuất bổ sung hạng giấy phép lái xe AM cấp cho người lái xe máy?
Ông Nguyễn Tô An: Thứ nhất, tỷ lệ tai nạn giao thông của nhóm phương tiện hai bánh, mô tô, xe máy này là lớn nhất trong cả nước, chiếm 60-70% tai nạn và mức độ an toàn của nó lại là thấp nhất. Thế mà chúng ta lại cho các cháu đi xe máy mà không cần bằng, như thế có phải là giao các cháu vào "bàn tay tử thần" không?
Do đó, chúng ta phải trang bị cho các cháu cái bảo vệ, không cần biết nhiều tuổi hay ít tuổi, muốn đi được cái đầu tiên là anh phải có bằng lái xe máy. Bằng mô tô chúng ta đang quy định là 18 tuổi, thì đề xuất không thay đổi. Nhưng bây giờ tôi đề xuất là phải cấp bằng xe máy, để cho các cháu, ví dụ bây giờ dự thảo luật đưa ra là cho phép lái xe máy nhưng không cần bằng.
Thế thì ở đây chúng ta đề nghị là vẫn phải cần bằng. 15 tuổi lái cũng được nhưng phải có bằng. Khi anh có bằng có nghĩa là có đủ sức khỏe để lái, khi anh có bằng là anh đã được đào tạo kỹ năng lái xe an toàn và anh vượt qua được sát hạch, rồi anh đã được học luật hoặc vượt qua sát hạch.
Trên xe máy đến mô tô, thì bắt đầu anh phải cứng về độ tuổi, lên đến 18 tuổi thì anh bắt đầu được thi bằng mô tô. Lúc này là gì, anh không cần phải thi luật nữa, luật anh đã học rồi, đã thi rồi, anh chỉ cần thi tay lái thôi. Thủ tục rất đơn giản thôi. Nước ngoài, người ta văn minh đi trước, người ta ra cả công ước Viên, người ta có quy định bằng xe máy, tại sao chúng ta lại bỏ? Và tôi không cần phải bàn cãi nhiều, anh cứ có bằng là anh được điều khiển. Thế thôi, nó minh bạch.
Để bỏ ra một cái quỹ thời gian để học và thi lấy bằng mô tô, xe máy và khám sức khỏe không mất nhiều thời gian. Tôi nghĩ chắc không quá 10 ngày, từ học đến thi và lấy bằng, thì cái tốn kém, cái chi phí, đánh giá tác động trên một con người để được cấp bằng không xi - nhê gì với một sinh mạng của con người. Thế thì cái đấy tôi nghĩ là chúng ta cần phải quan tâm.
Ở đây chủ yếu là các phụ huynh, phụ huynh không tiếc tiền bỏ ra mười mấy triệu, thậm chí mấy chục triệu để mua một cái xe máy cho con đi học, thì chả lẽ tiếc mấy trăm nghìn đồng và một số buổi cho con đi học để thi lấy bằng hay sao? Mà khi đã giúp cho như thế, xã hội rất yên tâm.
PV: Xin cảm ơn ông