Vải thiều tăng giá gấp 3 trong ngày Tết Đoan Ngọ

Mỗi kg vải thiều sáng nay Tết Đoan Ngọ được các cửa hàng trái cây bán giá 110.000-150.000 đồng, gấp đôi ngày thường và gấp 3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngày Tết Đoan Ngọ, ghi nhận tại các chợ truyền thống và cửa hàng ở quận 1, Gò Vấp, Bình Thạnh cho thấy giá trái cây tăng đột biến. Trong đó, vải thiều, bòn bon, mận, mãng cầu, chôm chôm đồng loạt tăng 30-300% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 50.000-90.000 đồng.

Chị Loan, chủ cửa hàng trái cây trên đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp), cho biết Tết Đoan Ngọ năm ngoái, vải thiều chỉ 25.000-40.000 đồng một kg, nay lên 110.000-150.000 đồng. "Vải thiều đang là mặt hàng đắt khách và giá đắt đỏ nhất dịp này", chị nói.

Tết Đoan Ngọ
Thùng vải thiều tại cửa hàng nhà chị Loan được khách mua gần hết từ sáng 10/6 (5 tháng 5 âm lịch). Ảnh: Thi Hà

 

Chỉ nhập được 100 kg vải thiều sáng nay, chị Lan Anh, chủ cửa hàng trái cây ở chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) nói 80% đã giao cho khách đặt hàng từ sớm. Năm nay, vải thiều khó nhập hàng vì số lượng hạn chế.

Ngoài vải thiều, chị Lan Anh cho hay bòn bon cũng ít hơn so với mọi năm nên giá tăng gấp đôi so với 2 ngày trước và tăng 3 lần so với cùng kỳ, lên 90.000-100.000 đồng mỗi kg.

Không chỉ trái cây tăng giá, hoa tươi cũng trở nên đắt đỏ hơn trong ngày Tết Đoan Ngọ.

Hiện cúc lưới có giá 60.000-70.000 đồng bó 10 bông, cúc đồng tiền 2 ngày trước có giá 25.000 đồng, nay lên 30.000 đồng một bó. Hoa đồng tiền lên 70.000-75.000 đồng một bó, tăng thêm 10.000 đồng so với hôm qua.

Cũng trong xu thế tăng, bánh ú tro, bánh ú loại nhỏ đang đắt hơn cùng kỳ năm ngoái 5.000-10.000 đồng, lên 60.000-70.000 đồng một chục. Với loại bánh ú tro to có giá 140.000-170.000 đồng một chục (12 cái), tăng 20.000-50.000 đồng so với cùng kỳ 2023.

Tết Đoan Ngọ
Bánh ú tro được bán nhiều trên các con đường TP HCM sáng 10/6 (5 tháng 5 âm lịch). Ảnh: Thi Hà

 

Lý giải nguyên nhân tăng giá của các mặt hàng trên, chị Loan cho rằng nguồn cung các loại trái cây cúng hiện giảm mạnh so với mọi năm, trong khi nhu cầu tăng gấp đôi ngày thường. Đặc biệt, vải thiều là mặt hàng tăng giá mạnh nhất vì nguồn hàng về chợ thấp.

Theo lãnh đạo chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, sáng nay nguồn hàng trái cây, bánh hết sớm hơn so với các ngày trước đó.

Thống kê của Sở Nông nghiệp Hưng Yên dự báo năm nay sản lượng đạt 13.000-14.000 tấn, giảm 30% so với năm ngoái. Ở Bắc Giang, tỉnh có 30.000 ha vải, mỗi năm thu 200.000 tấn. Năm nay, Sở Nông nghiệp Bắc Giang dự tính sản lượng giảm 50% còn 100.000 tấn, trong đó một nửa là vải sớm. Tại Hải Dương, sản lượng vải đạt khoảng 45.000 tấn, bằng 77% so năm trước.

Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết Đoan Dương. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa, còn Dương là mặt trời, là khí dương, đoan dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Không chỉ riêng ở Việt Nam hay Trung Quốc mà nhiều nước châu Á cũng có Tết Đoan Ngọ.

Theo truyền thống của người Việt, Tết Đoan Ngọ này là một ngày lễ quan trọng mang ý nghĩa tiêu diệt sâu bọ phá hoại mùa màng. Ngày này, người dân mong muốn diệt trừ sâu bọ, xua đuổi bệnh tật, bảo vệ sức khỏe và tài lộc cho gia đình.

Mâm cúng trong ngày này thường có trái cây như vải, mận, chè, xôi, bánh ú tro và hoa tươi. Ngoài ra, một số vùng miền còn cúng thêm cả vịt hoặc gà.

Theo VnExpress