Diễn ra từ ngày 19 đến 25-7, Festival “Cù Lao Chàm – Mùa ngô đồng đỏ” 2024 sẽ được tổ chức tại xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, vào thời điểm hoa ngô đồng nở rộ trên đảo. Lễ hội ngô đồng đỏ này hứa hẹn mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách đến Quang Nam dịp này!
Lễ hội ngô đồng đỏ năm nay có gì
Du khách đến Quảng Nam thời điểm này sẽ có cơ hội tham gia lễ hội ngô đồng đỏ, vào đúng mùa hoa ngô đồng nở rộ. Vậy lễ hội này có những gì?
Lễ hội “Cù Lao Chàm – Mùa ngô đồng đỏ” năm nay diễn ra nhiều hoạt động như giải đua ghe ngang xã Tân Hiệp lần thứ 4 tại cầu cảng Bãi Làng; trại hè san hô tại Bãi Ông; biểu diễn văn nghệ vào đêm khai mạc, 21-7. Đặc biệt, điểm nhấn của sự kiện lần này là lễ đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – Nghề đan võng ngô đồng.
Ngoài ra, lễ hội còn có các sự kiện như triển lãm ảnh ngô đồng đỏ, trưng bày sản phẩm và trình diễn đan võng ngô đồng, chương trình “Đêm Cù Lao” và phiên chợ giới thiệu kết nối sản phẩm địa phương tại cảng du lịch Cù Lao Chàm…
3 cây ngô đồng cổ thụ với tuổi đời hơn 150 năm
Tháng 11-2014, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam cũng đã công nhận ba loài cây ở Cù Lao Chàm là cây Di sản Việt Nam, trong đó có một cây ngô đồng đỏ ở Hòn Lao, trên 100 năm tuổi.
Tháng 4-2015, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công bố quyết định công nhận cây Di sản Việt Nam cho quần thể ba cây ngô đồng đỏ cổ thụ tại dốc suối Tình, có tuổi đời 155-250 năm.
Hoa ngô đồng nở rộ và đẹp nhất trong tháng 7 - 8, quanh con đường bê tông uốn lượn qua các khu vực bãi Làng, bãi Xếp, bãi Bìm và bãi Hương. Đất trên đảo khô, tầng mỏng nên cây phát triển cao khoảng 5 - 10 m. Cây ngô đồng trên Cù Lao Chàm thuộc họ Trôm, gọi là ngô đồng đỏ để phân biệt với cây ngô đồng tại Huế có hoa màu tím hồng.
Các sản phẩm từ cây ngô đồng
Tháng 2-2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa nghề thủ công truyền thống đan võng ngô đồng ở xã Tân Hiệp, thành phố Hội An vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sản phẩm nghề đan võng ngô đồng truyền thống của cư dân Cù Lao Chàm là một dạng thức văn hóa dân gian, góp phần minh chứng cho sự tiếp cận, khai thác khá sớm nguồn tài nguyên rừng, nhằm thích ứng với địa hình biển đảo của cộng đồng cư dân nơi đây
Những tri thức dân gian trong việc khai thác nguyên liệu và đan võng ngô đồng là cơ sở quan trọng để đảm bảo sự tồn tại của nghề truyền thống này ở Cù Lao Chàm, duy trì bền vững di sản văn hóa của tiền nhân để lại.
Võng ngô đồng Cù Lao Chàm được nhiều người coi là chiếc võng kỳ công, sản phẩm thủ công độc đáo, bởi sự công phu, tỉ mỉ, nhẫn nại mà người đan đặt vào.
Đến Cù Lao Chàm chơi gì?
Cù Lao Chàm có nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ, đa dạng dịch vụ du lịch sinh thái để du khách lựa chọn như bãi Bắc, bãi Ông, bãi Làng, bãi Chồng, bãi Chìm, bãi Xếp hay bãi Hương.
Sau khi ngắm cảnh sắc và check-in mùa hoa ngô đồng, du khách có thể chọn các điểm tham quan sinh thái, tâm linh khác trên đảo, trong số đó là chùa Hải Tạng, gần khu vực xóm Cốm.
Ngôi cổ tự này được xây lần đầu vào năm 1758, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân và trải qua nhiều lần trùng tu, di dời do ảnh hưởng của bão. Chùa có lưng tựa núi, mặt nhìn ra thung lũng nhỏ là cánh đồng lúa duy nhất trên đảo.
Du khách nghỉ chân ở gần bến tàu trên Cù Lao Chàm. “Trải nghiệm khám phá vẻ đẹp mùa hoa ngô đồng và tìm hiểu nhịp sống ngư dân trên đảo là kỷ niệm khó quên”, nhiếp ảnh gia Đỗ Anh Vũ chia sẻ.
Theo Sài Gòn tiếp thị