Tiếp xúc với hương hoa sữa đậm đặc trong thời gian dài khiến nhiều người tái phát hen suyễn, viêm mũi dị ứng với triệu chứng khó thở, tức ngực, chảy nước mũi.
Thạc sĩ, bác sĩ Lã Quý Hương, khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết mùa hoa sữa kéo dài từ tháng 9-11 hàng năm. Mùi hoa đậm đặc có thể gây khó chịu cho người bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng khi hít phải, ảnh hưởng đến đường thở.
Bác sĩ chia sẻ về trường hợp chị Ngô Thị Lan (28 tuổi, Hà Nội) từng mắc hen suyễn hồi nhỏ nhưng đã khỏi sau tuổi dậy thì. Gần đây chị có biểu hiện khó thở, thở khò khè, tức ngực tăng lên về đêm, đến BVĐK Tâm Anh Hà Nội khám được chẩn đoán hen suyễn tái phát.
Khai thác bệnh sử và lối sống của chị, bác sĩ nhận định việc tái phát hen suyễn có một phần nguyên nhân do trước nhà người bệnh trồng nhiều hoa sữa. Tiếp xúc với hương hoa đậm đặc trong thời gian dài gây phản ứng dị ứng và kích hoạt cơn hen suyễn tiềm ẩn.
Chị Lan được bác sĩ kê một số thuốc dự phòng hen đường phun hít, dặn dò tuân thủ dùng thuốc và nên đóng kín cửa khi ở nhà để hạn chế tiếp xúc với mùi hoa sữa. Một tuần sau chị cho biết triệu chứng khó thở đã giảm đáng kể, ngủ ngon hơn do không còn lên cơn hen về đêm.
Lý giải về việc hen suyễn thường xuyên tái phát vào mùa hoa sữa, bác sĩ Hương cho rằng có thể do 2 nguyên nhân. Thứ nhất, hoa sữa nở nhiều vào cuối thu, lúc này không khí lạnh khô rất dễ gây nên các phản ứng kích thích đường thở, khởi phát hen suyễn. Thứ hai, phấn hoa nói chung và hoa sữa nói riêng là một trong những yếu tố kích hoạt cơn hen hàng đầu, bên cạnh khói bụi, nấm mốc, lông động vật, không khí lạnh.
Đáng chú ý, phấn hoa có thể làm khởi phát các bệnh hô hấp tiềm ẩn như hen suyễn, viêm mũi dị ứng... kể cả ở những người chưa từng có tiền sử mắc bệnh. Bệnh nhân hen suyễn và viêm mũi dị ứng bị kích ứng bởi phấn hoa nào thì triệu chứng sẽ nặng lên vào mùa hoa đó. Như vậy người bệnh dị ứng với hoa sữa thì bệnh sẽ nặng lên vào mùa thu, khi hoa sữa nở nhiều. Triệu chứng dị ứng thường là đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tức ngực, khó thở, ngạt mũi, chảy nước mũi... Những người này nên hạn chế tiếp xúc với hoa sữa.
Bác sĩ Hương khuyên người bệnh hen suyễn và viêm mũi dị ứng hoặc có tiền sử mắc các bệnh này nên tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc, dừng thuốc để giảm nguy cơ biến chứng nặng. Nếu sống và làm việc ở nơi có nồng độ hương hoa sữa cao, nên đóng kín cửa sổ và cửa ra vào, có thể sử dụng thêm máy lọc không khí trong nhà. Khi ra ngoài nên đeo khẩu trang để giảm thiểu hít phải phấn hoa và khói bụi. Những gia đình có người mắc hen suyễn, viêm mũi dị ứng không nên trồng hoa sữa trước cửa hoặc trong vườn nhà.
Hoa sữa có tên khoa học là Alstonia, còn được gọi dân dã là mùa cua, mồng cua... Cây có đặc điểm cao, tán rộng, vỏ dày, chảy nhựa màu trắng sữa nên thường gọi là hoa sữa. Theo Đông y, vỏ cây có thể dùng điều trị một số bệnh như tiêu chảy, kiết lỵ, thấp khớp... Tuy nhiên mùi hương của hoa sữa lại gây dị ứng đối với người có cơ địa nhạy cảm với phấn và hương hoa, không tốt cho người có sẵn bệnh hô hấp như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm phế quản.