Nếu thâm niên đi làm của bạn đang tỷ lệ nghịch với "thâm niên tiết kiệm", lắng nghe những chia sẻ của cô bạn này có thể giúp bạn bỏ túi được kha khá bí quyết dành dụm, quản lý chi tiêu đấy!
Mỗi tháng chỉ tiêu nửa lương, còn lại để tiết kiệm và dành tiền đi du lịch
Mới đây, trong cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính, bảng chi tiêu của một cô gái 28 tuổi khiến CĐM khen không ngớt lời.
Chuyện là cô bạn đã đi làm được 8 năm, nhưng cách đây 6 năm mới bắt đầu tiết kiệm. Tổng số tiền mà cô bạn dành dụm được đến giờ này là 500 triệu đồng - Một số tiền không hề nhỏ.
Dẫu vậy, cô vẫn băn khoăn không biết mình chi tiêu đã tối ưu hay chưa, nên mới xin lời khuyên, góp ý của mọi người.
Có thể thấy, với mức lương thực nhận 21 triệu đồng và mức chi tiêu 10 triệu tròn trĩnh như trên, một tháng, cô tiết kiệm được 47,6% thu nhập. Đây là một tỷ lệ gần như không có gì phải chê.
Với tình hình thu - chi - tiết kiệm như hiện tại, nhiều người cho rằng cô bạn này không cần phải cắt giảm khoản nào nữa. Việc đi du lịch nước ngoài mỗi năm cũng không cần dẹp bỏ vì đó là mong muốn chính đáng.
Học hỏi được gì từ cách chi tiêu, tiết kiệm của cô bạn 28 tuổi này?
Không bao giờ là quá sớm hay quá muộn để bắt đầu xây dựng thói quen tiết kiệm. Muốn có tiền trăm triệu, tiền tỷ trong tay mà không giỏi đầu tư, cách duy nhất chỉ có thể là tiết kiệm, giống như cô bạn trong câu chuyện phía trên.
6 năm tiết kiệm được 500 triệu là điều ai cũng có thể làm được nếu đảm bảo thực hiện được 4 điều dưới đây.
1 - Hạn chế mua sắm quần áo, mỹ phẩm
Nếu để ý, bạn sẽ thấy khoản chi cho quần áo, mỹ phẩm của cô bạn 28 tuổi này chỉ gói gọn trong 500k - Một con số rất khiêm tốn. Bản thân cô cũng thừa nhận mình không có đam mê sắm nhiều quần áo. Quần áo cũ mà còn mặc được, thì cứ mặc tiếp chứ chẳng mua mới làm gì.
Chỉ cần hạn chế được khoản chi cho quần áo, mỹ phẩm, con gái có thể tiết kiệm được khối tiền đấy! Thế nên từ tháng sau, chúng mình thử đặt mục tiêu giới hạn ngân sách cho việc mua sắm ở mức 500k thử xem sao!
2 - Không chạy theo công nghệ
Ngoài việc thờ ơ với những mode quần áo mới, cô bạn này còn không mảy may quan tâm tới việc lên đời điện thoại nói riêng hay đồ công nghệ nói chung.
"Điện thoại mình vẫn đang dùng điện thoại đời cũ" - Cô bạn chia sẻ trong bài viết của mình.
Việc này có lẽ là điều tất yếu. Vì lương có 21 triệu, mỗi năm đi du lịch nước ngoài 1 chuyến dài ngày mà còn mê nâng cấp điện thoại, laptop, thì làm sao có thể tiết kiệm được nửa tỷ trong 6 năm, đúng không?
3 - Lương tăng là nghĩ ngay tới việc tiết kiệm
Điều này cũng đồng nghĩa với việc cô bạn không để bản thân rơi vào bẫy lạm phát lối sống. Dù sắp tới, thu nhập tăng từ 21 triệu/tháng lên 27-28 triệu/tháng, nhưng cô vẫn băn khoăn tìm cách tối ưu chi tiêu, thay vì lên kế hoạch đi chơi hay mua sắm linh tinh.
Việc này, nghe qua thì tưởng đơn giản nhưng phải đến lúc thực hiện mới thấy không dễ dàng. Thử nghĩ xem, nếu bây giờ, mỗi tháng thu nhập của mình tăng 6-7 triệu, bạn có dám tự tin khẳng định sẽ tiết kiệm toàn bộ phần tiền tăng thêm ấy, thay vì trích ra "một ít" để chi tiêu hay không?
4 - Hưởng thụ có kế hoạch
Đam mê duy nhất và cũng rất chính đáng của cô bạn này là đi du lịch. Tuy nhiên, việc này cũng không hề diễn ra theo hứng mà có kế hoạch rõ ràng. Với các khoản chi cố định trong tháng, cô đều dành ra 500k cho mục đi du lịch. Vậy là một năm cũng có 6 triệu, có thể chưa đủ cho một chuyến đi nước ngoài, nhưng chí ít, cũng không phải hứng lên là đi mà không có kế hoạch.
Nếu biết cách cân đối ngân sách đi du lịch với tỷ lệ tiết kiệm và chi tiêu, việc vi vu thăm thú, khám phá thế giới là mong muốn hoàn toàn chính đáng, đặc biệt là với những bạn trẻ còn độc thân, chưa lập gia đình.