Không giỏi quản lý chi tiêu nhưng tháng nào cũng tiết kiệm 70 triệu

Kiếm tiền hết sức, tiêu hết mình nhưng vẫn tiết kiệm được khối, quá đỉnh.

2 gia đình này có 1 điểm chung: Cả vợ lẫn chồng đều thừa nhận bản thân chẳng giỏi quản lý tài chính, nhưng nhìn vào cách chi tiêu và số tiền tiết kiệm của 2 gia đình này hàng tháng, chắc hẳn nhiều người sẽ phải thốt lên: "Như thế này mà chưa giỏi thì thế nào mới là giỏi nữa?".

Gia đình 2 người - 5 nguồn thu nhập: Mỗi tháng tiết kiệm 70 triệu và mua ít nhất 2 chỉ vàng!

Thùy Linh (28 tuổi) và Minh Tiến (35 tuổi) đã về chung một nhà được 3 năm và có 1 cô con gái 3 tuổi.

Hiện tại, Linh đang là nhân viên kiểm toán mảng Thuế, còn Tiến là CFO (Giám đốc tài chính) cho 2 doanh nghiệp nhỏ. Bên cạnh 3 nguồn thu nhập chính này, vợ chồng Tiến - Linh còn có 2 nguồn thu nhập khác đến từ công việc làm thêm của Linh, và khoản đầu tư góp cổ phần kinh doanh cửa hàng bán trang sức bạc.

Dù không tiết lộ mức thu nhập cụ thể của gia đình, nhưng Thùy Linh cho biết hàng tháng, vợ chồng cô tiết kiệm được 70 triệu và mua ít nhất 2 chỉ vàng. Các khoản chi cố định khoảng 50 triệu quay đầu.

tiết kiệm
Các chi phí hàng tháng của gia đình Thùy Linh, Minh Tiến

 

Hàng tháng, ngay sau khi nhận lương, Thùy Linh và chồng sẽ đi mua 2-5 chỉ vàng, gửi vào tài khoản tiết kiệm 70 triệu đồng.

“Tùy vào giá vàng cao hay thấp mà chúng mình sẽ mua ít hay nhiều, từ cuối tháng 12 năm ngoái đến bây giờ, mỗi tháng, chúng mình chỉ mua 2 chỉ thôi. Trước đó, giá vàng thấp hơn thì mua 5 chỉ. Khoản cố định là 70 triệu gửi tiết kiệm. Vì chúng mình đang ở nhà thuê, có mục tiêu mua nhà trong 2 năm nữa nên lãi tiết kiệm thấp vẫn gửi, gia vàng cao cũng vẫn mua” - Thùy Linh chia sẻ và cho biết thói quen mua vàng, gửi tiết kiệm hàng tháng đã được 2 vợ chồng áp dụng suốt 3 năm về chung 1 nhà.

Với số tiền còn lại, cô sẽ thanh toán các chi phí cố định như tiền học phí cho con, tiền thuê giúp việc, tiền thuê nhà. Vì phụ nữ có nhiều thứ phải mua hơn (đồ trang điểm, dưỡng da,...) nên hai vợ chồng thống nhất tiền chi tiêu cá nhân cho vợ sẽ là 6 triệu đồng, còn tiền chi tiêu cá nhân cho chồng là 4,5 triệu đồng.

“48,3 triệu đồng là con số mình ước tính thôi, vì khoản ma chay hiếu hỷ và tiền về quê là không cố định hàng tháng. Cả nhà mình đều có bảo hiểm sức khỏe, em bé trộm vía cũng không đau ốm nên tiền thăm khám, đi bệnh viện không đáng bao nhiêu. Nhưng theo mình nhớ được là không có tháng nào nhà mình tiêu dưới 45 triệu”.

Thùy Linh giải thích và còn cho biết thêm vì không giỏi quản lý tài chính nên chuyện cuối tháng hết tiền vẫn xảy ra thường xuyên.

Gia đình cải tổ chi tiêu thành công: Từ 60 triệu/tháng xuống còn 25 triệu/tháng!

Tính đến nay, Ngọc Hà (30 tuổi) và Hải Thanh (33 tuổi) đã kết hôn được hơn gần 4 năm và có 2 cô con gái. Nhìn lại hành trình xây dựng tổ ấm của mình trong suốt khoảng thời gian qua, Ngọc Hà không ngại khẳng định thay đổi lớn nhất của hai vợ chồng chính là đã biết kiểm soát chi tiêu, tiết kiệm hiệu quả hơn.

tiết kiệm
Ảnh minh họa

 

“Cưới nhau xong, chồng mình tự giác đưa hết lương cho mình, chỉ giữ lại 8-9 triệu để chi tiêu cá nhân thôi. Bản thân mình trước đây cũng không phải là người giỏi giữ tiền nhưng chồng đưa tiền cho thì đương nhiên mình không từ chối” - Ngọc Hà vừa cười vừa kể.

Không giỏi giữ tiền mà lại được giữ “khá nhiều tiền” nên suốt nửa năm đầu sau khi về chung 1 nhà, gần như không có tháng nào Ngọc Hà tiêu dưới 60 triệu/tháng. Vợ chồng trẻ, khi ấy chưa có con và cũng không có khoản nợ nào phải trả, chính Ngọc Hà cũng không hiểu được “mình tiêu cái gì mà kinh thế”.

“Hồi ấy vàng chưa đắt như bây giờ nên mỗi tháng vợ chồng mình đều mua 5 chỉ. Ngoài ra thì gửi tiết kiệm 15 triệu, cộng thêm 8 triệu tiền để dành đóng bảo hiểm. Sau khi trừ hết 3 khoản chi ấy thì chúng mình còn 65-70 triệu/tháng để trang trải tất cả các chi phí. Và gần như tháng nào cũng tiêu hết, chủ yếu là ăn uống, mua sắm thôi ấy".

Cảm thấy chi tiêu như vậy mà có con vào thì "cả nhà móm hết", Ngọc Hà quyết tâm nghiêm túc hơn với việc quản lý chi tiêu.

Phải mất tới 3-4 tháng, việc cắt giảm chi tiêu từ 60-65 triệu xuống còn 25 triệu/tháng của vợ chồng Ngọc Hà mới bắt đầu vào guồng. Để thành công làm được việc này, Ngọc Hà cho biết cả hai đều phải thay đổi từng thói quen nhỏ nhất, kể ra thì khá nhiều nhưng có thể gói gọn trong 3 việc dưới đấy.

1 - Không thuê giúp việc, vợ chồng tự dọn nhà và nấu nướng

Đây là khoản chi đầu tiên mà Ngọc Hà và Hải Thanh thống nhất cắt giảm vì nó không thực sự cần thiết.

“Nhà mình có robot hút bụi, máy giặt và máy sấy rồi nên việc nhà thực ra cũng không nhiều lắm. Hai đứa tự làm được, chẳng qua trước đó lười nên ỷ lại vào bác giúp việc thôi. Chúng mình thống nhất ăn sáng và ăn trưa tự túc bên ngoài. Bữa tối mình sẽ cố nấu, không giỏi nên ban đầu toàn cho chồng ăn đồ luộc đồ hấp" - Ngọc Hà kể lại.

2 - Giới hạn chi tiêu cá nhân ở mức 8 triệu đồng/người/tháng

Thời còn tiêu hơn 60 triệu/tháng, Ngọc Hà hoàn toàn không biết một tháng mình chi bao nhiêu cho những nhu cầu cá nhân, hay bao nhiêu cho các chi phí chung của hai vợ chồng. Tiền cứ để hết trong 1 tài khoản, chồng đưa lương nhưng đến khi chồng hết tiền, xin vợ thì vợ vẫn cho. Thế nên rất khó để quản lý dòng tiền.

tiết kiệm
Ảnh minh họa

 

“Sau khi cùng nhau xem xét lại thì chúng mình đều thấy phải đặt ra một hạn mức chi tiêu cá nhân cho từng người. Vì cả hai đứa đều ăn bữa trưa và bữa tối ở ngoài nên mình nghĩ 8 triệu/người/tháng là hợp lý vì vẫn còn tiền xăng và thi thoảng cà phê gặp gỡ bạn bè, đối tác nữa.

Ngoài ra, mình cũng phải mở thêm 1 tài khoản ngân hàng khác nữa, để chuyển tiền sinh hoạt phí vào đó, chứ không để chung với tiền tiêu cá nhân được, dễ lẫn và khó quản lý lắm” - Ngọc Hà cho biết.

3 - Cuối tuần rủ nhau đi chơi thể thao thay vì đi shopping

Đây là quyết định có tác động lớn nhất tới công cuộc “cải tổ chi tiêu” của vợ chồng Ngọc Hà trước khi đón con đầu lòng.

“Trước đây chúng mình chẳng hoạt động thể chất mấy. Trong tuần đi làm về muộn, cuối tuần lại rủ nhau đi ăn uống, mua sắm. Nghĩ đi nghĩ lại thì thấy như thế vừa tốn kém, vừa không healthy.

Thế nên hai đứa thống nhất cùng đi học tennis. Thời gian đầu thì học 2 buổi tối/tuần. Đến giờ thì chỉ chơi vào thứ 7, Chủ Nhật thôi vì trong tuần không sắp xếp được thời gian.

Vợ chồng muốn tiết kiệm nhiều hơn thì cứ tìm 1 hoạt động chung để tham gia, giảm thời gian rảnh rỗi lang thang cùng nhau lại là tiêu ít tiền đi hẳn” - Ngọc Hà khẳng định.

Theo Nhịp sống thị trường