Nhiều người dùng có những thói quen khi sử dụng điện thoại mà không biết những thói quen này thật ra đang ‘phá' điện thoại của bạn.
Sai lầm làm giảm tuổi thọ pin
Sạc quá mức có thể làm giảm tuổi thọ của pin smartphone theo thời gian. Pin lithium-ion có thể bị hỏng khi duy trì ở mức 100% trong thời gian dài, bị phồng lên và giảm tuổi thọ tổng thể. Tốt nhất nên rút phích cắm sau khi sạc đầy.
Để smartphone ở nhiệt độ quá cao có thể gây hư hỏng nghiêm trọng, dẫn đến các linh kiện bên trong nóng quá mức và khiến pin xuống cấp nhanh hơn. Mặt khác, nhiệt độ cực lạnh có thể làm hao pin nhanh chóng và có khả năng khiến màn hình bị nứt. Người dùng nên giữ điện thoại ở nhiệt độ được khuyến nghị từ 0 đến 35°C.
Sử dụng bộ sạc không chính hãng hoặc giá rẻ có thể gây hại cho pin và các bộ phận bên trong bởi chúng không thể điều chỉnh nguồn điện đúng cách, dẫn đến các vấn đề về quá hoặc không đủ điện áp. Điều này có thể khiến pin nhanh xuống cấp hơn hoặc thậm chí làm hỏng cổng sạc. Tốt nhất nên sử dụng bộ sạc đi kèm với điện thoại hoặc bộ sạc thay thế được chứng nhận.
Sử dụng smartphone khi đang sạc có thể khiến thiết bị nóng lên, gây hại cho pin và các bộ phận bên trong, dẫn đến việc sạc chậm hơn và tăng độ hao mòn của pin. Nhiệt sinh ra từ việc sử dụng và sạc đồng thời cũng có thể làm hỏng chip và các linh kiện bên trong khác.
Sử dụng smartphone ở độ sáng tối đa có thể làm giảm tuổi thọ pin bởi điều này đòi hỏi nhiều năng lượng, khiến pin cạn kiệt nhanh hơn. Điều chỉnh độ sáng ở mức thoải mái và sử dụng độ sáng thích ứng sẽ giúp ngăn ngừa những vấn đề này.
Thói quen gây hại đến phần cứng
Làm rơi smartphone có thể dẫn đến hư hỏng vật lý, chẳng hạn như màn hình bị nứt, các bộ phận bên trong bị hỏng và thậm chí trục trặc hoàn toàn. Làm rơi nhiều lần có thể làm suy yếu cấu trúc của điện thoại ngay cả khi có ốp lưng. Ngoài ra, cú sốc do rơi có thể làm gián đoạn các mạch điện bên trong. Sử dụng ốp lưng chất lượng tốt và lưu ý đến vị trí đặt điện thoại có thể giúp tránh bị rơi.
Nước và hơi ẩm có thể gây hư hỏng nghiêm trọng cho smartphone, đặc biệt nếu chúng không có khả năng chống nước. Tiếp xúc với nước có thể dẫn đến đoản mạch hay ăn mòn các bộ phận bên trong. Điều tương tự cũng xảy ra với môi trường ẩm. Giữ điện thoại tránh xa nước và dùng vỏ chống nước có thể giúp bảo vệ nó.
Không sử dụng miếng dán màn hình sẽ khiến màn hình smartphone dễ bị trầy xước, nứt và các hư hỏng khác. Ngay cả khi sử dụng cẩn thận, các vật dụng hằng ngày như chìa khóa vẫn có thể làm xước màn hình. Miếng dán màn hình bổ sung một lớp bảo vệ, giúp màn hình nguyên vẹn. Đó là cách đơn giản và rẻ tiền để kéo dài tuổi thọ cho màn hình smartphone.
Bụi có thể tích tụ trong các cổng, loa và các khu vực khác trên smartphone gây ra các vấn đề về chức năng. Ví dụ bụi trong cổng sạc có thể cản trở việc sạc, bụi trong loa có thể làm hỏng âm thanh. Theo thời gian, sự tích tụ này có thể dẫn đến quá nhiệt vì cản trở sự thông gió. Việc vệ sinh thường xuyên bằng các dụng cụ thích hợp sẽ giúp ích.
Nên quan tâm đến phần mềm điện thoại
Thường xuyên cập nhật để đảm bảo smartphone chạy trơn tru và luôn an toàn, bởi việc bỏ qua các bản cập nhật có thể khiến điện thoại dễ bị tấn công bởi các mối đe dọa và lỗi bảo mật. Nếu không cập nhật, điện thoại có thể trở nên chậm chạp, gặp sự cố thường xuyên hơn và dễ bị nhiễm phần mềm độc hại.
Việc dùng bộ nhớ ở mức tối đa có thể tác động tiêu cực đến hiệu suất của thiết bị bởi điện thoại sẽ có ít không gian hơn để hoạt động hiệu quả, dẫn đến hiệu suất chậm hơn và gặp sự cố. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến thời lượng pin vì thiết bị phải làm việc nhiều hơn để quản lý dữ liệu. Thường xuyên xóa các tệp và ứng dụng không cần thiết có thể giúp duy trì hiệu suất tối ưu.
Cuối cùng, chạy quá nhiều ứng dụng cùng lúc có thể làm quá tải chip và bộ nhớ, dẫn đến hiệu suất chậm và treo máy. Sự căng thẳng này cũng có thể khiến thiết bị nóng lên, ảnh hưởng đến tuổi thọ pin và có khả năng làm hỏng các bộ phận bên trong.
Theo Thanh niên