Những điểm đến tâm linh không thể bỏ qua ở Hưng Yên

Hưng Yên nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng với nhiều điểm đến văn hóa tâm linh nổi tiếng, đậm chất truyền thống.

Đền Mẫu Hưng Yên

Đền thuộc địa phận TP. Hưng Yên - là một trong những di tích lịch sử văn hóa trọng điểm của tỉnh Hưng Yên. Đền thờ bà Dương Quý Phi trong triều nhà Tống của Trung Quốc.

Theo sử sách ghi lại, đền được khởi dựng vào thời Trần (1279), qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo đến nay đền Mẫu có quy mô đồ sộ với nhiều công trình, hạng mục nối tiếp nhau như: Tòa Nghi môn, tòa Đại bái, cung đệ Nhất, đệ Nhị, đệ Tam, Hậu cung và Cung cấm.

Đền Mẫu còn lưu giữ được nhiều cổ vật, đồ thờ quý có giá trị như: Hai cỗ kiệu bát cống và thất cống tạo tác vào thời Hậu Lê; bộ long sàng, long kỷ có niên đại Hậu Lê; đôi lọ lục bình men rạn Bát Tràng thời Nguyễn; bức châm của tiến sỹ Chu Mạnh Trinh (1896)...

2684-67179919_672b927e42aea.jpg
Đền Mẫu là một trong những di tích lịch sử văn hóa trọng điểm thuộc TP. Hưng Yên

Ngoài ra, đền còn bảo lưu được 15 đạo sắc phong của các triều đại từ Hậu Lê đến Nguyễn, đạo sớm nhất mang niên hiệu Vĩnh Thịnh 7 (1711), muộn nhất là niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924). Với hơn 700 năm tồn đền Mẫu đã thực sự trở thành một di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu, độc đáo của Hưng Yên.

Đền Chử Đồng Tử

Đền Chử Đồng Tử là một quần thể công trình lịch sử nổi tiếng tại vùng đồng bằng sông Hồng, gồm đền Đa Hòa và Dạ Trạch. Đền thờ Đức thánh Chử Đồng Tử (một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng người Việt) và hai vị phu nhân Tiên Dung Công chúa và Tây Sa Công chúa. Đền nằm ngay bên bờ sông Hồng và đều đã được xếp hạng di tích văn hóa cấp Quốc gia.

Đền Đa Hòa (nơi Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung gặp nhau) gồm 18 ngôi nhà mái ngói cong hình 18 thuyền rồng cách điệu. Đây là kiến trúc đặc biệt nhằm tái hiện hoạt cảnh đoàn thuyền của công chúa Tiên Dung đang giăng buồm du ngoạn trên bến sông.

Đền Chử Đồng Tử

Đền Dạ Trạch (Đền Hóa), gắn liền với truyền thuyết Chử Đồng Tử và Công chúa Tiên Dung, nằm sâu trong vùng đầm Dạ Trạch, không gian thoáng đãng.

Phía sau đền vẫn còn giữ được một ít cây cổ thụ, tạo cho đền một vẻ đẹp thâm u, huyền bí, thoát tục. Quần thể đền hiện còn lưu giữ nhiệu hiện vật qúy báu như lục bình Bách thọ, cỗ ngai cổ nhất còn tồn tại ở Việt Nam; các kiệu hát, tượng đúc và chạm trổ tinh tế… Khám phá đền, du khách sẽ bị mê hoặc bởi không khí yên bình và thanh tịnh.

Chùa Chuông

Chùa được ví như một phiên bản của Kinh thành Huế mộng mơ, còn được gọi là “Phố Hiến đệ nhất danh lam”. Chùa hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật, hiện vật rất có giá trị về mặt mỹ thuật cũng như lịch sử - văn hóa, đó là các bức đại tự, câu đối, chuông đồng, khánh đá... với nội dung phong phú, sâu sắc, đậm tính nhân văn. Tiêu biểu là các di vật như cầu đá xanh, cây hương đá (Thạch Thiên đài) được làm năm Chính Hòa thứ 23 (1702). Quý hiếm hơn là tấm bia đá dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711); văn bia ca ngợi chùa là nơi danh thắng hào khí anh linh và ghi tên những người công đức tu tạo chùa thời Phố Hiến hưng thịnh.

Chùa Chuông

Chùa còn nổi tiếng bởi hệ thống tượng Phật phong phú, đặc sắc như: Thập Bát La Hán, Thập Điện Diêm Vương cùng bộ Tứ Trấn và Bát Bộ Kim Cương. Mỗi pho tượng mang một sắc thái, dáng vẻ khác nhau, được các nghệ nhân đương thời tạo tác rất công phu, sống động và uyển chuyển.

Đây là những di sản văn hóa vô giá, là nguồn sử liệu quý cho các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về di tích, địa danh và lịch sử Phố Hiến xưa.

Chùa Phúc Lâm

Chùa Phúc Lâm – Một ngôi “chùa Vàng” của Việt Nam là địa điểm tâm linh lâu đời và đã thu hút nhiều du khách với vẻ ngoài được dát vàng rực rỡ. Chùa có tuổi đời hàng trăm năm với lối kiến trúc độc đáo và nghệ thuật trạm trổ tinh tế.

2685-du-lich-hung-yen-07-1705127549_672b92d2d869e.jpg
Chùa Phúc Lâm được dát vàng lộng lẫy bậc nhất Hưng Yên

Chùa Phúc Lâm bao gồm toà Tiền đường và toà Thượng Điện cùng với 4 tòa tháp Bồ tát; mỗi tháp được trang trí với 6 cột chạm trổ công phu với hình ảnh phượng uốn lượn vô cùng ấn tượng. Lan can tầng hai được trang trí bằng những cánh sen lớn đang nở rộ, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. Mái chùa toàn bộ được chạm khắc hình rồng tinh xảo và sống động. Bao quanh khuôn viên chùa là nhiều pho tượng Phật lớn, tạo nên một không gian thiêng liêng, huyền bí, thanh tịnh và tràn đầy nghệ thuật.

Chùa Hương Lãng

Chùa Hương Lãng thuộc địa phận huyện Văn Lâm là điểm đến mang giá trị nghệ thuật lớn, lưu giữ nhiều di vật quý thời Lý, thời Trần. Theo sử sách, chùa Hương Lãng có từ thời Lý do Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan xây dựng (thế kỷ thứ XI). Chùa có giá trị kiến trúc đặc sắc, thể hiện ở hệ thống hiện vật thời Lý rất độc đáo; tiêu biểu là bệ đá hoa sen có niên đại cuối thế kỷ XI - đầu thế kỷ XII, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật Quốc gia năm 2020.

Chùa Hương Lãng.

Chùa đã trải qua nhiều lần tu sửa; không gian hiện tại gồm nhà đại bái, tiền đường và hậu cung. Ngoài ra, chùa Hương Lãng còn lưu giữ nhiều hiện vật quý từ thời nhà Lý như 4 cột đá vuông góc đỡ các xà đá của công trình và nhiều tảng đá chân cột chạm khắc cánh hoa sen…

Với những giá trị về văn hoá, lịch sử, nghệ thuật và kiến trúc, chùa Hương Lãng đã được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Ngày nay, chùa Hương Lãng mang trong mình không chỉ giá trị tôn giáo mà còn là điểm đến cho những ai đang tìm kiếm sự thanh bình để cảm nhận vẻ đẹp nghệ thuật của các tác phẩm điều khắc thời Lý, thời Trần.