Mách Bạn 6 Cách Bảo Quản Thực Phẩm Trời Nồm Ẩm

Những món ăn ngày Tết thường còn dư nhiều, vì vậy chúng cần được bảo quản đúng cách để tránh gây hại cho sức khỏe. Facetoface mách bạn cách bảo quản thực phẩm thừa trong tiết trời nồm tại miền Bắc

Những ngày qua, thời tiết miền Bắc xuất hiện nồm ẩm, đây là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc phát triển, ảnh hưởng sức khỏe. Hãy lưu lại những lưu ý để bảo quản thực phẩm đúng cách trong thời tiết nồm ẩm nhé!

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết hầu hết thực phẩm đều có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn, gây nấm mốc. Vi khuẩn làm giảm chất lượng dinh dưỡng, hư hỏng thức ăn, dẫn tới các bệnh về đường tiêu hóa. Tiêu thụ thức ăn nhiễm nấm mốc có thể xảy ra ngộ độc cấp tính, thậm chí ngộ độc mạn tính, lâu ngày dẫn đến các bệnh nguy hiểm.

Một số thực phẩm dễ bị nấm mốc như bánh chưng, mứt Tết, rau củ quả, gạo đỗ, lạc...

"Ví dụ, bánh chưng là môi trường thích hợp cho nấm mốc phát triển do độ ẩm cao và giàu chất dinh dưỡng", ông Thịnh nói, thêm rằng nấm mốc phát triển từ lớp lá bên ngoài vào bên trong, lan rộng và làm hỏng bánh. Hay mứt chảy nước là sắp hỏng, tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật và nấm mốc phát triển.

bảo quản thực phẩm trời nồm ẩm mach-ban-6-cach-bao-quan-thuc-pham-troi-nom-am

 

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết các cách bảo quản thực phẩm khi trời nồm ẩm, như sau:

Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh

Thực phẩm mua về nên sơ chế làm sạch, bọc chúng vào các túi nilon, hộp nhựa hoặc hộp thủy tinh đậy nắp kín. Sau đó, cất thực phẩm vào ngăn đông hoặc ngăn mát tủ lạnh. Thức ăn thừa khi bảo quản trong tủ lạnh cũng cần bọc bao nilon để không gây mùi sang đồ dùng khác trong tủ.

Nên phân loại các thực phẩm vào tủ lạnh một cách khoa học. Không để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm đã chế biến, không rã đông thực phẩm quá nhiều lần.

Ngoài ra, phải chú ý vệ sinh tủ lạnh thường xuyên để vi khuẩn không bị tích tụ, khiến thức ăn nhiễm khuẩn, gây hại sức khỏe.

Không để đồ ăn qua đêm

Tuyệt đối không để thức ăn qua đêm. Đối với đồ ăn mua sẵn nên ăn sau khi mua. Thức ăn đã nấu chín chỉ nên để trong tủ lạnh 1-2 ngày. Các loại rau, củ, quả nên dùng khi còn tươi, hạn chế để trong tủ lạnh quá lâu ngày.

Hạn chế đồ ăn dự trữ

Thực phẩm được sử dụng tốt nhất khi chúng tươi sống. Sau một thời gian bảo quản, chúng cũng mất đi ít nhiều các chất dinh dưỡng. Thêm vào đó, khi độ ẩm quá cao, các bào tử nấm mốc và vi khuẩn trong không khí phát triển mạnh. Do vậy, trong thời tiết nồm ẩm, nên hạn chế tối đa việc dự trữ nhiều thực phẩm trong tủ lạnh.

Vệ sinh dụng cụ làm bếp

Bát đũa sau khi rửa nên trải đều cho mau khô, hạn chế dùng dụng cụ bằng gỗ. Tráng thớt, bát, đũa bằng nước nóng để diệt vi khuẩn, nấm mốc. Tuyệt đối không dùng chung thớt để thái thức ăn sống với thức ăn chín.

Để thực phẩm ở nơi thoáng mát

Một trong những cách giúp bảo quản hiệu quả thực phẩm khi trời nồm ẩm là để thực phẩm ở kệ cao, đựng trong các hộp bằng thủy tinh, đậy nắp kín, tránh không khí tiếp xúc với thực phẩm. Nên đặt thực phẩm ở chỗ có ánh sáng mặt trời chiếu vào để hạn chế tối đa sự sinh trưởng và phát triển của nấm mốc.

Sử dụng máy hút ẩm

Sử dụng máy hút ẩm để đảm bảo ngôi nhà luôn khô ráo, tránh nấm mốc hay vi khuẩn vào những ngày trời nồm ẩm. Ngoài ra, bạn có thể dùng chất hút ẩm để loại bỏ không khí ẩm, nơi hay để thực phẩm để chống sự xâm nhập của nấm mốc.

 

Theo Vnexpress