Lễ hội bánh mì đông khách, nhưng sức mua giảm

Lễ hội bánh mì lần hai có lượng khách tăng 50% so với năm ngoái, nhưng sức mua tại nhiều tiệm lâu năm giảm một nửa.

Ngày 22/5, Hiệp hội du lịch TP HCM cho biết trong 3 ngày tổ chức (17-19/5), Lễ hội Bánh mì đã đón 150.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng thức, tăng gần 50% so với lần đầu.

Theo khảo sát của VnExpress, lượng khách tham dự đông từ ngày đầu, bãi gửi xe trong khuôn viên công viên Lê Văn Tám liên tục quá tải. Quy mô lễ hội mở rộng so với năm ngoái, một số tiệm bánh tên tuổi ở TP HCM tham gia ghi nhận sức mua giảm khoảng 50% so với năm ngoái.

Anh Nguyễn Hoàng Quốc Thiện, chủ tiệm bánh mì cụ Lý hơn 70 năm ở Sài Gòn, cho biết ngày đầu bán khoảng 200-300 ổ, bằng khoảng 80% so với ngày đầu lễ hội năm ngoái. Sang ngày thứ hai và thứ ba, sức mua mới có dấu hiệu tăng, trung bình 500-800 ổ mỗi ngày, nhưng chỉ bằng 50% so với thời điểm tham gian lễ hội lần đầu. Theo anh Thiên, năm nay lễ hội có lượng khách đông, không gian rộng và nhiều gian hàng nên khách có đa dạng lựa chọn.

Lễ hội bánh mì
Anh Thiện, chủ tiệm bánh mì cụ Lý làm bánh cho khách tại lễ hội, ngày 18/5. Ảnh: Bích Phương

 

"Lễ hội Bánh mì năm ngoái, tôi huy động cả người nhà ra phụ, phục vụ không xuể vì lượng khách quá đông, mỗi ngày bán hơn 1.500 ổ", anh Thiện nói.

Anh Nguyễn Ngọc Thạch, chủ tiệm bánh mì Nguyên Sinh Bistro trong top 10 tiệm bánh mì lâu đời nhất TP HCM, cho biết lượng mua năm nay giảm đáng kể. Thời điểm đông khách nhất là buổi tối, tiệm bán được 300-500 ổ. Ban ngày khoảng 100-200 ổ. Năm ngoái, tiệm của anh Thạch hút khách, bán trung bình mỗi ngày trên 1.500 ổ. Chương trình tặng pate hết sạch ngay ngày đầu. Năm nay, anh mang đến 1.942 hộp pate tặng kèm khách mua bánh nhưng vẫn còn hàng đến ngày cuối.

"Ngày cuối, pate tặng kèm vẫn còn tôi tặng hết cho khách, kể cả khách ghé gian hàng không mua bánh", anh Thạch nói.

Theo anh, lễ hội bánh mì năm nay có điểm bất hợp lý trong việc sắp xếp các gian hàng. Lễ hội chia khu vực các tiệm bánh mì gần cổng chính, tiếp theo là khu vực đồ ăn vặt đường phố. Gian hàng của anh Thạch trong danh sách các tiệm lâu lại nằm lọt thỏm trong khu vực đồ ăn nhanh, khách khó nhận diện.

Các tiệm bánh trong top lâu đời nhất Sài Gòn như Tuấn 7 Kẹo, bánh mì Tăng, tiệm Bảy Hổ cũng ghi nhận sức mua giảm so với năm ngoái. Mỗi khách ghé tiệm chỉ mua 1-2 ổ bánh, một số người chỉ ghé tham quan.

Anh Hồ Quốc Dũng, chủ tiệm bánh mì Bảy Hồ, cho hay mỗi ngày tiệm bán khoảng 200-300 ổ, giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Theo anh Dũng, tiệm anh đến lễ hội không đặt mục tiêu doanh số vì sức mua ở lễ hội có tăng thế nào cũng không thể bằng bán tại tiệm.

"Chúng tôi tham gia lễ hội với tiêu chí đưa hương vị bánh mì đến gần với bạn bè quốc tế", anh Dũng nói.

Anh Minh Trung, sinh sống tại TP HCM, hai năm liền đều ghé lễ hội bánh mì. Sau khi dạo một vòng ở lễ hội, anh Trung chỉ mua một ổ bánh, do lễ hội có nhiều gian hàng khác như nguyên liệu, sữa chấm bánh mì, nước uống, đồ ăn vặt.

"Lễ hội năm nay có nhiều hoạt động và nhiều thứ để mua ngoài bánh mì", anh Trung nói.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, cho biết lễ hội bánh mì lần hai có khoảng 85 đơn vị tham gia với 131 gian hàng, tăng 25% so với số lượng gian hàng năm 2023. Khuôn viên tổ chức năm nay tại công viên Lê Văn Tám, rộng hơn so với địa điểm năm ngoái tại Nhà văn hóa Thanh Niên. Do đó, lượng khách dàn trải đều ra các gian hàng, khách có nhiều lựa chọn thưởng thức bánh mì, ghé các gian hàng nguyên liệu làm bánh.

Theo bà Khánh, lượng khách tham quan quá đông nên việc bố trí giữa xe cũng không đáp ứng được hết, khách tham quan phải chờ đợi lâu và nhiều lúc không gửi được xe, phải gửi ở những bãi xe tự phát.

Lễ hội bánh mì
Du khách mua bánh mì tại ngày đầu lễ hội. Ảnh: Quỳnh Trần

 

Xuyên suốt lễ hội vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được ban tổ chức đặc biệt quan tâm, cùng với công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách. Đại diện Hiệp hội cho hay trước khi lễ hội diễn ra, có nhiều trường hợp ngộ độc bánh mì các tỉnh thành, điểm du lịch, gây tâm lý hoang mang cho du khách.

Theo bà Khánh, ban tổ chức lễ hội đã lên kế hoạch giám sát các gian hàng, kiểm tra nguồn nước, rác thải, quan sát cảm quan về nguồn gốc nguyên liệu, thực phẩm. Cứ 2 tiếng, ban tổ chức đi một vòng kiểm tra các gian hàng về an toàn thực phẩm. Sau ba ngày, không có trường hợp ngộ độc thực phẩm nào tại lễ hội.

Ban tổ chức cũng kiểm soát chặt chẽ vấn đề giá bán bánh mì tại sự kiện. Các đơn vị cam kết niêm yết giá bán 20.000-68.000 đồng mỗi ổ.

Đại diện Sở Du lịch TP HCM nói các hoạt động trong lễ hội bánh mì đã khẳng định tính sáng tạo, ghi dấu ấn riêng của bánh mì Việt Nam so với bánh mì các nước trên thế giới. Lễ hội góp phần tôn vinh văn hóa ẩm thực Việt, quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè thế giới.

Lễ hội bánh mì sẽ được tổ chức thường niên để lan tỏa món ăn đặc trưng này đến đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước.

Theo VnExpress