Theo các nghị định về thanh toán không tiền mặt trước đây, ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính.... Còn thẻ trả trước là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào tương ứng với số tiền đã trả trước cho tổ chức phát hành thẻ.
Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử (đơn vị trung gian thanh toán) phải duy trì tổng số dư trên tất cả tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử mở tại ngân hàng không thấp hơn tổng số dư tất cả ví điện tử đã phát hành cho khách hàng. Đồng thời, các tổ chức chỉ cho phép sử dụng dịch vụ đối với các ví điện tử có liên kết với tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của chính khách hàng.
Như vậy, sự khác biệt giữa tiền điện tử và tiền ảo ở những yếu tố: Tiền điện tử (tiền pháp định) có sự bảo đảm từ phía Nhà nước (do ngân hàng Nhà nước phát hành), còn tiền ảo không được bảo đảm thực hiện bởi Nhà nước, đồng thời cũng không được bảo đảm thực hiện từ bất kỳ tổ chức nào. Tiền điện tử có hình thức vật chất nhất định và tồn tại độc lập, còn tiền ảo luôn luôn phụ thuộc vào môi trường kỹ thuật số để tồn tại. Vì vậy, tiền ảo không được đảm bảo khả năng chuyển đổi thành tiền pháp định bởi các chủ thể phát hành hoặc quản lý nó và không có một tổ chức nào chịu trách nhiệm về những rủi ro cho một hoặc các bên chủ thể trong giao dịch liên quan đến tiền ảo.
Về những rủi ro khi sử dụng tiền ảo, ông Hoàng Ngọc Bách, Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: "Những ứng dụng nay tội phạm sử dụng đều ở nước ngoài và việc truy vết, tính năng ẩn danh trên không gian mạng là những khó khăn. Sự mất cảnh giác của người dân trong khuôn khổ pháp lý, hàng lang pháp lý của ta là những điều chúng ta chưa điều chỉnh kịp thời, đặc biệt là liên quan đến hoạt động đầu tư về tiền ảo."
Việc bổ sung quy định để làm rõ bản chất của tiền điện tử, theo Ngân hàng Nhà nước là cần thiết và đảm bảo thống nhất, nhằm loại trừ các thể loại tiền ảo, các công cụ sử dụng như phương tiện thanh toán mà không chịu sự quản lý của cơ quan quản lý... từ đó làm cơ sở pháp lý để Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành liên quan thực hiện có hiệu quả vai trò quản lý nhà nước.