Uống thuốc bắc không cần sắc
TS Dương Hồng Tố Quyên cho biết, trong y học cổ truyền có rất nhiều bài thuốc đem lại tác dụng cao được người dân truyền tai nhau sử dụng. Nhưng nhược điểm của các bài thuốc này là quy trình sử dụng phức tạp, phải sắc trong nhiều giờ mới uống được. Làm thế nào để đưa các hoạt chất này vào viên nang cho tiện sử dụng là câu hỏi mà chị và cộng sự đã đi tìm câu trả lời.
Bắt đầu với bài thuốc dân gian bảo vệ gan, nhóm thực hiện đề tài “Nghiên cứu hiện đại hóa bài thuốc Bạch hoa xà thiệt thảo – Bán chi liên có tác dụng bảo vệ gan”.
Về lý do lựa chọn bài thuốc này, TS Tố Quyên cho biết, ước tính cả nước hiện có khoảng 8 triệu người bị các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan và ung thư gan. Riêng ung thư gan có tỷ lệ thuộc nhóm cao nhất thế giới, với trên 10.000 ca mới phát hiện mỗi năm. Một trong những nguyên nhân chính gây ra tỷ lệ cao người mắc bệnh gan ở Việt Nam hiện nay là do sử dụng bia rượu và đồ uống có cồn.
Số liệu thống kê từ năm 2016 của WHO cũng cho thấy, việc lạm dụng đồ uống có cồn gây nên khoảng 3,3 triệu ca tử vong mỗi năm ở nước ta. Theo WHO, 71,7 % nam giới tử vong do xơ gan có liên quan đến việc dùng rượu bia ở mức gây hại.
“Từ thực trạng trên, việc nghiên cứu bài thuốc dân gian có tác dụng bảo vệ gan khỏi các yếu tố nguy cơ (rượu bia, thuốc giảm đau) gây viêm gan dẫn đến xơ gan và cuối cùng là ung thư gan là vấn đề cần thiết”, TS Quyên nói.
Dữ liệu nền ở đề tài này là bài thuốc dân gian có thành phần từ hai dược liệu là Bạch hoa xà thiệt thảo và Bán chi liên, có cơ sở dữ liệu trong Từ điển cây thuốc Việt Nam.
Bài thuốc dân gian được sử dụng dưới dạng thuốc sắc, vì thế bệnh nhân chưa quen mùi vị của dược liệu, sẽ cảm thấy khó chịu và khó tuân thủ uống theo liều lượng trong thời gian 2 tuần hoặc dài hơn. Vì vậy, hiệu quả điều trị cũng hạn chế.
Giải pháp nhóm nghiên cứu đưa ra là chiết xuất hoàn toàn các hoạt chất có trong bài thuốc, đưa vào viên nang để người bệnh dễ sử dụng, đem lại hiệu quả cao hơn trong điều trị các bệnh về gan.
Viên nang cứng “che giấu” mùi vị
TS Dương Hồng Tố Quyên cho biết, điểm yếu trong bài thuốc này là mùi vị khó uống, nhóm khắc phục bằng cách sử dụng bào chế thành viên nang cứng với nguyên liệu là cao dược liệu.
Ở dạng này có thể sử dụng ít tá dược và lượng cao đóng vào nang khá nhiều. Bên cạnh đó, viên nang cứng còn che dấu mùi vị khó chịu của cao chiết, thuận tiện khi sử dụng vì được phân liều thành viên, đóng gói nhỏ gọn, dễ bảo quản và vận chuyển.
Ngoài ra, quy trình sản xuất thuận tiện do có thể sử dụng các thiết bị đóng nang với nhiều kích cỡ khác nhau. Từ thiết bị đóng nang thủ công, máy đóng nang bán tự động và máy đóng nang tự động.
Để bào chế thành viên nang cứng an toàn, giữ nguyên hoạt chất, nhóm kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào là Bạch hoa xà thiệt bảo và Bán chỉ liên. Sau đó, nhóm tiến hành chiết xuất bằng hơi nước và xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho cao chiết, khảo sát liều có tác dụng bảo vệ gan của cao chiết.
Từ đây nhóm xây dựng công thức và bào chế viên nang cứng, đánh giá tính an toàn bảo vệ gan của sản phẩm. Nhờ kết quả này mà các vị trong bài vẫn được giữ nguyên nhưng phần đưa vào cơ thể không còn ‘thô’ như ban đầu nữa mà có thể tiện lợi hơn cho người dùng.
Con đường đưa một bài thuốc dân gian đã được tin dùng trở thành một sản phẩm dưới dạng điều chế hiện đại, ví dụ như viên nang hoặc viên nén, cao lỏng… trải qua rất nhiều bước gian nan, ngay cả khi các nhà khoa học đã có trong tay rất nhiều công cụ tiên tiến.
Rất khó chuyển hóa từ bài thuốc cổ truyền sang loại thuốc được bào chế như dạng Tây y, khâu khó nhất là chuẩn hóa để cho nó đạt được độ ổn định, độ rã, độ chảy, đảm bảo được khả năng giải phóng của thuốc… May mắn, nhóm nghiên cứu đã đi đúng hướng và đạt được những kết quả bước đầu khả quan.
Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ có điều kiện để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, phối hợp với các đơn vị thương mại hóa sản phẩm, đem đến cho người bệnh gan một giải pháp an toàn, giá rẻ.
Theo giaoducthoidai.vn