Chỉ mới hôm nào hàng cây sấu rụng thành thảm lá, thảm hoa phủ lớp lớp trên hè phố mà nay, không ít người đã phải ngỡ ngàng khi bắt đầu nhìn thấy những quả sấu non xanh lấp ló trên cành.
Vẻ đẹp của nắng sớm vào hạ dường như hiện diện đầu tiên trên những chiếc lá sấu xanh mát trên cao, rồi len lỏi qua từng kẽ lá, phản chiếu sự lung linh và tinh nghịch xuống hè phố. Rất nhiều người Hà Nội thích khoảnh khắc dạo bộ mỗi sớm mai, đuổi theo những tia nắng dưới tán lá sấu xanh tươi trên những con phố trồng nhiều loài cây này.
Vào hạ, hàng cây sấu xanh rợp, vững chãi phủ mát cả con phố Phan Đình Phùng hàng trăm năm qua đã đi vào thơ ca, văn chương, đi vào ký ức đẹp của bao lớp người Hà Nội. Nhất là những trưa hè nắng gắt, được lạc bước vào cung đường này như đã tới được ốc đảo của sự mát mẻ, dễ chịu mà ai cũng ao ước có được.
Ông Phạm Lợi, một người có gần 70 năm sinh ra và lớn lên ở Hà Nội chia sẻ: "Cây sấu có cái hay nhất là xanh suốt quanh năm, liên tục đều đều, lúc nào cũng có lá rụng nhưng trên cây vẫn đầy lá xanh quanh năm. Ai cũng ấn tượng với bóng mát của nó, nhất là vào giữa trưa hè mới thấy cái quý của nó. Chú mê lắm mấy phố như Phan Đình Phùng, Hàng Khay, Trần Hưng đạo…."
Đã bắt đầu vào mùa mà người Hà Nội gọi là “sấu bao tử”, với rất nhiều món ngon đặc trưng gắn liền với thức quả này như: ô mai sấu, sấu ngâm đường, sấu ngâm mắm, sấu nấu canh chua… Có một sự khác biệt thú vị của vị quả sấu ở Hà Nội mà có lẽ nhiều người đều nhận ra.
Đó là quả sấu ở Hà Nội có vỏ mỏng, giòn hơn, vị chua thanh dịu hơn và không có vị chát, hay chua gắt như sấu được trồng ở những vùng khác. Có lẽ do thổ nhưỡng, và có thể do cả cái tình trìu mến, nâng niu của người Hà Nội mà quả sấu ở đây có phong vị dễ đi vào lòng người đến thế.
Ông Phạm Lợi còn chia sẻ sự gắn bó đặc biệt của gia đình ông với quả sấu: "Vợ chú là con cháu nhà bánh mứt kẹo hàng đường, bây giờ vẫn đang làm, năm nào nhà chú cũng làm ô mai sấu, nó gắn bó với cả gia đình và cuộc sống luôn".
Chỉ có ở Hà Nội mới làm ô mai sấu, còn các địa phương khác họ ít dùng sấu lắm, đến mùa quả nó xanh, chín rồi rụng đầy đường có ai dùng đâu, trong khi ở quê chú ở Phú xuyên, cách có 1 tí thôi, người ta mang ra chợ bán có 8k một ký thôi. trong khi đó ở HN rất đắt, còn chỗ khác để rụng luôn. Giờ sắp tới mùa sấu bao tử, nhiều người rất thích.
Cũng thật lạ đúng là chỉ có ở Hà Nội, bao lâu nay, người dân vẫn mê mẩn, chịu khó, tỉ mỉ chế biến thức quả giản đơn này thành những thức quà đặc biệt, thanh nhã, đáng yêu như ô mai sấu.
Người Hà Nội cũng dùng quả sấu vào cùng rất nhiều món ăn, thức uống hàng ngày, thậm chí chỉ đơn giản là tới mùa, có gia đình còn dành hẳn một ngăn tủ lạnh chỉ để cấp đông, cất trữ những quả sấu ngon nhất để dùng quanh năm, bởi nếu thiếu nó, hẳn là sẽ rất khó trọn vẹn cho một món ăn nào đó mà người Hà Nội ưa thích.
Cũng chỉ có quả sấu ở Hà Nội mới có giá trị cao đến thế. Đầu mùa, sấu bao tử có khi lên tới 60-70 nghìn đồng/kg, cao gấp 5-7 lần sấu bán ở những nơi khác.
Có lẽ vì thế mà trong khoảng vài năm trở lại đây, cứ tới mùa sấu, người Hà Nội đã quen với cảnh quả sấu ở nhiều vùng khác được mang về tận dưới những gốc sấu cổ thụ trên phố Phan Đình Phùng để bán cho tăng phần giá trị. Mỗi gốc sấu trên phố vào hạ lại thêm phần đông vui, rôm rả, nhất là khi chiều về.
Và có lẽ cũng chẳng ở đâu, quả sấu được trân quý nâng niu như ở Hà Nội để trở thành thức quà đặc trưng mà người Hà Nội vẫn tự hào, trân quý mỗi khi dành tặng bạn bè phương xa. Đó có thể là lọ ô mai sấu, là lọ sấu đường, sấu mắm tự tay ngâm, hay chỉ cần đơn giản là những quả sấu xanh đã được gọt vỏ sạch sẽ, đóng túi hút chân không cẩn thận, làm quà cho bạn bè trong nam, ngoài bắc…
Tấm lòng người trao tặng món quà, và người nhận món quà đặc biệt này càng làm cho quả sấu thêm phần mê hoặc lòng người.