Sáng 5-10, UBND TP Hà Nội đã tổ chức lễ thông xe tại hầm chui Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân, Hà Nội), công trình này có tổng mức đầu tư gần 700 tỉ đồng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng dự và cắt băng khánh thành.
Phát biểu tại buổi lễ thông xe, ông Dương Đức Tuấn - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết đây là công trình trọng điểm của TP Hà Nội, khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô 10-10, với kỳ vọng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - vành đai 3.
Tuy nhiên, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, thời điểm 8h sáng cùng ngày, khi vừa thông xe, hầm chui này đã xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.
Theo đó, xe cộ ùn ùn từ đường Tố Hữu đi xuống hầm chui Lê Văn Lương để vào nội đô đã khiến hàng loạt người dân phải chôn chân dưới "hầm" trong giờ cao điểm buổi sáng.
Anh Đặng Minh Tuấn (Hà Đông, Hà Nội) cho biết "lỡ dại" vì đã đi xuống hầm chui Lê Văn Lương.
"Hầm chui Lê Văn Lương vừa thông xe nhưng tắc kinh khủng, xe cộ ùn ứ kéo dài cả km. Sáng nay đi làm thấy hầm đã thông xe nên tôi cũng chạy xe xuống, nhưng lượng xe cộ đổ xuống hầm quá đông khiến tôi phải chôn chân hơn chục phút mới ra được đoạn hầm ngắn này" - anh Tuấn nói.
Theo phương án phân luồng của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, phương tiện được đi hai chiều trên nút giao hầm chui Lê Văn Lương - vành đai 3 theo hướng đường Lê Văn Lương đi Tố Hữu và ngược lại.
Phương tiện trên đường Khuất Duy Tiến (vành đai 3) không được phép rẽ trái đi đường Lê Văn Lương hoặc Tố Hữu mà phải đi thẳng qua nút giao, quay đầu tại hai điểm mở dải phân cách trên đường Khuất Duy Tiến và rẽ phải đi đường Lê Văn Lương hoặc Tố Hữu.
Xe thô sơ, người đi bộ, phương tiện cao quá 4,75m không được đi qua hầm chui Lê Văn Lương.
Làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT qua đoạn đường này cũng được khôi phục theo hiện trạng trước khi thi công hầm chui.
Hầm chui Lê Văn Lương - vành đai 3 được khởi công tháng 10-2020, nhà thầu thi công là liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 - Công ty cổ phần Fecon - Công ty cổ phần Thương mại, tư vấn và xây dựng Vĩnh Hưng.
Đây là hầm chui thứ tư của Hà Nội đi vào hoạt động.