Xung quanh thông tin về việc doanh nghiệp bình ổn thị trường trong lĩnh vực trứng gia cầm xin được tăng giá do “không cầm cự được nữa”, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã cho biết: Sau dịch bệnh, các chuỗi cung ứng, nguyên nhiên vật liệu đứt gãy, giá xăng dầu tăng mạnh đã tác động đến giá hàng hóa, nên doanh nghiệp sẽ cân nhắc đến giá bán. Tuy vậy, giá bán của các doanh nghiệp bình ổn thị trường nếu điều chỉnh tăng cũng ở mức phù hợp cho người tiêu dùng, đảm bảo thấp hơn 5-10% so với giá thị trường.
Giá hàng bình ổn sẽ được điều tiết thấp hơn giá ngoài thị trường từ 5-10% |
Hiện nay tại các điểm bán hàng bình ổn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng như các siêu thị, hiện đối với mặt hàng trứng gia cầm giá vẫn giữ ổn định với 29.500 đồng/chục trứng gà, 35.000 đồng/chục trứng vịt. Dù vậy, khi các doanh nghiệp bình ổn trứng gia cầm của thành phố đề xuất tăng từ 1.000-2.000 đồng/chục, theo Sở Công Thương có thể dẫn đến giá bán biến động.
Riêng với các mặt hàng thực phẩm khác trong chương trình bình ổn, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, hiện vẫn chưa có đơn vị nào xin tăng giá bán.
Thực tế, sức mua trên địa bàn thành phố, theo nhận định của ông Bùi Tá Hoàng Vũ- Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh thì hiện nay vẫn còn “chưa mạnh” như trước dịch, tiêu thụ hàng hóa của người dân vẫn chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu.
Do vậy Sở Công Thương đã có theo dõi, tính toán và sẽ cùng Sở Tài chính, các sở, ngành liên quan tham mưu cho lãnh đạo thành phố có giải pháp điều chỉnh giá phù hợp sao cho các nhà sản xuất yên tâm tái đầu tư nhưng vẫn phù hợp với sức chịu đựng của người tiêu dùng
Liên quan đến giá hàng hóa, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh khẳng định, giá thành sản xuất đã tăng ít nhất 30% so với hồi đầu năm nhưng các doanh nghiệp sản xuất chủ lực của hội này đều tích cực tham gia vào chương trình bình ổn thị trường của thành phố nên đang nỗ lực đàm phán với các nhà cung cấp nguyên phụ liệu, bao bì giữ giá bình ổn thêm 2-3 tháng nữa.
“Việc giữ giá để chia sẻ khó khăn với nhau, giúp người tiêu dùng có thể mua hàng hóa với giá tốt nhất có thể. Cùng với đó các doanh nghiệp sẽ tập trung thu mua và trữ nguyên liệu đủ để sản xuất 3-5 tháng tới, đồng thời chấp nhận giảm biên độ lợi nhuận để đồng hành cùng khách hàng”- bà Lý Kim Chi chia sẻ.
Tuy vậy, về lâu về dài, các doanh nghiệp hàng bình ổn cho biết sẽ tập trung đầu tư phát triển thêm vùng nguyên liệu để chủ động về nguyên liệu sản xuất cũng như tối ưu chi phí và đầu tư ứng dụng công nghệ, phát triển đa dạng mặt hàng để tăng tính cạnh tranh, đa dạng sản phẩm để chia sẻ lợi nhuận,...
Đồng thời các doanh nghiệp cũng sẽ tìm cách giảm chi phí vận chuyển bằng cách phối hợp với nhà phân phối cung ứng hàng hợp lý nhất. Chẳng hạn trước đây một đơn hàng lớn có thể đi 2 - 3 chuyến xe, nhưng giờ doanh nghiệp sẽ cố gắng dồn vào một chuyến, thậm chí là một chuyến xe sẽ đến với nhiều nhà phân phối.
Về công tác bình ổn thị trường thời gian tới, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình cung - cầu, giá cả thị trường, tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối với các nguồn hàng hóa tại từng địa phương đồng thời triển khai các chương trình “Khuyến mại tập trung” nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, góp phần khôi phục và phát triển sản xuất - kinh doanh. Đối với chương trình “Khuyến mại tập trung”, hiện đã có một số doanh nghiệp đăng ký tham dự, với tổng mức giảm giá, khuyến mãi lớn như Saigon Co.op khoảng 17 tỷ đồng, hệ thống Thế Giới Di Động khoảng 31 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm nay có sự tham gia của khoảng 240 chợ truyền thống trên địa bàn, với nhiều mặt hàng giảm giá, hỗ trợ trực tiếp người mua. |
Theo: congthuong.vn