Theo phản ánh, các sản phẩm Nestlé Milo được quảng cáo có liên quan đến báo cáo thử nghiệm lâm sàng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Trước thông tin này, Cục An toàn thực phẩm đã căn cứ theo Điều 40 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP để ban hành công văn số 1030/ATTP-NĐTT ngày 16/5/2025 gửi Sở Y tế Đồng Nai, đề nghị kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm nếu có theo đúng quy định pháp luật.

Cục An toàn thực phẩm yêu cầu làm rõ quảng cáo sản phẩm Nestlé Milo. Ảnh chụp màn hình

Cùng ngày, Cục cũng đã ban hành công văn số 1031/ATTP-NĐTT gửi Viện Dinh dưỡng Quốc gia đề nghị rà soát nội dung truyền thông, quảng cáo liên quan nhằm đảm bảo tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, cũng như thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 9/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo.

Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh: Việc sử dụng thông tin từ các nghiên cứu, báo cáo chuyên môn trong quảng cáo thực phẩm phải được thẩm định và tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, tránh gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Trong trường hợp phát hiện sai phạm, Cục An toàn thực phẩm sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý nghiêm theo đúng quy định hiện hành.

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin trên bao bì sản phẩm sữa lúa mạch Nestlé Milo có dòng quảng cáo: “Nay đã được chứng minh khoa học bền bỉ hơn. Được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng”.

Sản phẩm sữa lúa mạch Nestlé Milo có nội dung quảng cáo: “Nay đã được chứng minh khoa học bền bỉ hơn. Được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng”.

Theo phản hồi từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nội dung nói trên liên quan đến một đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở do đơn vị này từng phối hợp thực hiện với Nestlé Việt Nam. Cụ thể, nghiên cứu được triển khai từ tháng 6/2022 đến tháng 3/2023 trên 576 học sinh tiểu học tại tỉnh Ninh Bình.

Kết quả cho thấy, sản phẩm kết hợp cùng chương trình giáo dục thể chất góp phần cải thiện các tố chất thể lực như sức nhanh, sức mạnh, sức bền, độ mềm dẻo và sự khéo léo.

Tuy nhiên, nghiên cứu không ghi nhận hiệu quả rõ rệt về dinh dưỡng và trí lực, và quan trọng hơn, đây là nghiên cứu cấp cơ sở chứ không phải nghiên cứu lâm sàng theo đúng định nghĩa chuyên môn.

Vì vậy, Viện Dinh dưỡng đã đề nghị Nestlé Việt Nam rà soát việc sử dụng kết quả nghiên cứu trong hoạt động truyền thông, đồng thời yêu cầu gỡ bỏ các nội dung quảng cáo nếu vi phạm quy định nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật trong hoạt động quảng bá sản phẩm dinh dưỡng.