Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 24/5: Không còn ùn tắc khi xuất khẩu nông sản qua biên giới phía Bắc

Diễn đàn báo chí ngày 24/5 đề cập đến tình hình xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh dần trở lại bình thường

Báo Đầu tư có bài “Giao thương tại nhiều cửa khẩu biên giới phía Bắc dần trở lại bình thường”.

Xuất khẩu nông sản qua biên giới phía Bắc hiện không có ùn tắc

Theo bài báo, hoạt động giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc như Cao Bằng, Quảng Ninh, Lào Cai đang được cải thiện rõ trong những ngày gần đây. Số lượng xe hàng hóa chờ xuất khẩu tại riêng tỉnh Lạng Sơn đang từ khoảng 1.100-1.300 xe trong nhiều ngày qua đã giảm xuống mức khoảng 800 xe.

Về cơ bản, xuất khẩu nông sản qua biên giới phía Bắc hiện không có ùn tắc. Tất cả các tuyến biên giới đang có khoảng trên 1.200 xe chờ thông quan.

Cùng chủ đề này, Vietnamplus đưa tin “Giao thương qua cửa khẩu biên giới phía Bắc dần trở lại bình thường”.

Cùng với tin vui về hoạt động giao thương qua cửa khẩu biên giới phía Bắc dần trở lại bình thường, thì báo chí cũng phản ánh Bộ Công Thương tích cực trong điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm như đường mía, vật liệu hàn…

VTV đưa tin “Tiếp nhận đề nghị miễn trừ áp thuế chống bán phá giá tạm thời với một số sản phẩm vật liệu hàn”; Tạp chí Kinh tế và Dự báo có bài: “Việt Nam sẽ kết thúc điều tra phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía vào ngày 21/7/2022”; Tin Tức của TTX đưa tin “Bộ Công Thương gia hạn điều tra chống lẩn tránh thuế với sản phẩm đường mía”.

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 943/QĐ-BCT gia hạn thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với một số sản phẩm đường mía thêm 2 tháng. Do vậy, thời hạn kết thúc điều tra vụ việc là ngày 21/7/2022.

Việc gia hạn thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thêm 2 tháng với một số sản phẩm đường mía, để đảm bảo việc điều tra được tiến hành một cách toàn diện, khách quan, đánh giá đầy đủ thông tin mà các bên liên quan cung cấp, căn cứ Điều 82 Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Giới chuyên gia cho rằng, việc Việt Nam điều tra phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu vào nước ta là cần thiết, nhằm bảo vệ ngành mía đường trong nước.

Theo: congthuong.vn