Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 22/5: Giá xăng dầu ngày 23/5 diễn biến thế nào?

Ngày 23/5 là ngày điều chỉnh giá xăng dầu theo quy định. Dự báo, giá xăng sẽ tăng trong đợt điều chỉnh này.

Báo Hà Nội mới có bài: Giá xăng ngày mai có thể tiếp tục tăng, lập kỷ lục mới.

Thông tin của bài báo nêu rõ, giá xăng trong kỳ điều chỉnh ngày mai (23/5) được dự báo có thể tăng khoảng 600-800 đồng/lít. Nếu nhận định này chính xác, giá xăng trong nước tiếp tục lập kỷ lục mới.

Cùng nội dung này, Báo Thanh niên có bài: Giá xăng dầu hôm nay 22/5/2022: Xăng trong nước có thể tăng 700 đồng/lít, dầu giảm mạnh.

Theo bài báo, giá xăng bán lẻ trên thị trường Singapore cập nhật ngày 19/5 với xăng RON92 là 141,6 USD/thùng; xăng RON95 là 146,74 USD/thùng, tăng mạnh so với ngày 10.5 (xăng RON92 là 138,59 USD/thùng, xăng RON95 là 142,6 USD/thùng); còn dầu diesel 132,62 USD/thùng (ngày 10/5 là 147,96 USD/thùng). Như vậy, tại kỳ điều hành này, giá xăng tăng, dầu giảm mạnh. Xăng dự kiến vượt mốc 30.000 đồng/kg - lập kỷ lục mới.

Cũng liên quan đến giá xăng dầu, Cafef có bài viết: "Ghìm cương” lạm phát

Theo thông tin của bài báo, đến nay, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt lạm phát. Tuy nhiên theo các chuyên gia, giá nguyên, nhiên liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu tăng cao đang là thách thức lớn. Giá xăng dầu trong nước phụ thuộc lớn vào giá xăng dầu thế giới. Trong khi bình quân trong 5 tháng đầu năm nay, giá dầu trên thế giới đã tăng 60% so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện Bộ Công Thương đã lên kịch bản tháng, quý để điều hành giá và đảm bảo nguồn cung xăng dầu, dự trữ luôn ở mức 20% so với bình thường. Trong các loại thuế tính giá cơ sở để bán lẻ xăng dầu có thuế suất bảo vệ môi trường được giảm 50% từ đầu tháng 4 vừa qua.

Bộ cũng đã đề cập tới việc rà soát lại ngay thuế MFN, tức là mức thuế tối huệ quốc, với kiến nghị để giảm từ 20% xuống 12%, nhưng mức giảm thế nào cũng phải tính để có thể hài hòa trong quá trình đàm phán với các nước, đồng thời giữ tỷ lệ nguồn thu, khuyến khích đa dạng hóa nguồn cung, nhưng cũng phải tạo chênh lệch giữa các mức thuế thị trường FTA với các thị trường có mức thuế MFN.

Liên quan đến chi phí logistics – một chỉ số tác động mạnh đến xuất nhập khẩu, Báo Điện tử Chính phủ có bài viết: Chi phí logistics "thách thức" xuất nhập khẩu.

Tác giả bài báo chỉ rõ, năm 2021, chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6%.

Để góp phần cùng doanh nghiệp logistics kéo giảm chi phí, Bộ Công Thương phối hợp với Sáng kiến “Hộ chiếu logistics thế giới” (WLP) tổ chức Hội thảo Diễn đàn sáng kiến Hộ chiếu logistics thế giới và Khả năng tăng cường hợp tác Việt Nam - Các tiểu vương quốc Arab Thống Nhất (UAE) trong lĩnh vực logistics. Theo đó, các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam khi được UAE cấp hộ chiếu đều được tạo thuận lợi và hỗ trợ về thông quan, miễn thuế hàng không, giảm thời gian kiểm tra và đưa lên phương tiện vận tải nhanh chóng, miễn phí, giảm thời gian lưu kho lên tới 48 giờ, hàng hóa có thể được thông quan trước khi đến cảng, nhờ đó dự kiến sẽ tiết kiệm thời gian và 40% chi phí vận hành.

Đối với lĩnh vực sản xuất ô tô, Báo điện tử Vietnamnet có bài: Ô tô trong nước tiếp tục được gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 32/2022/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Nghị định nêu rõ, Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 năm 2022 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Theo:congthuong.vn