LTS: Quý vị độc giả đang theo dõi bài viết của một chính trị gia, nay còn là một "tay viết", ông cũng là độc giả thân thiết của Giáo dục và Thời đại nhiều năm qua.
Nhân dịp kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, trước sự biến chuyển của thời cuộc, tác giả một lần nữa lên tiếng về một mối quan hệ rất đặc biệt: báo chí và mạng xã hội. Ông là Đặng Văn Báu (Hoàng Duy) , nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết này tới Quý độc giả.
Với những ưu thế vượt trội về sự đa chiều, đa dạng, nhạy cảm của thông tin, mạng xã hội thực sự đang ngày càng chiếm lĩnh không gian thông tin có tác động rất lớn đến nhận thức, quan điểm và cách hành xử thế nào cho phù hợp của công chúng và cơ quan quản lý thông tin.
Để nhận thức được đúng sai đối với mạng xã hội cần có sự đổi mới từ tư duy để nắm bắt, nhận rõ được cái tốt, cái lợi cũng như cái xấu, cái bất lợi, đặc biệt là với nhu cầu thông tin của công chúng, để xử sự sao cho đúng, vừa không ngăn cấm nhưng cũng không thả nổi.
Báo chí là một trong những đối tượng chịu nhiều tác động của mạng xã hội.
Từ vị trí và thói quen gần như độc quyền về thông tin thì đang bị mạng xã hội lấn át và chia sẻ thị phần một cách nhanh chóng.
Trước tình hình đó các cơ quan quản lý thông tin không thể cấm đoán, thu hẹp hoạt động mạng xã hội, cũng không thể tăng cường theo chuỗi bao cấp cho báo chí để cạnh tranh với mạng xã hội được.
Cách thức duy nhất là báo chí và phương tiện truyền thông chính thống phải tự đổi mới cho phù hợp để tồn tại và phát triển.
Đứng về mặt pháp lý cũng như nhu cầu xã hội thì báo chí và mạng xã hội phải cùng đồng hành, hợp lực, bổ sung cho nhau vì nhu cầu thông tin và mục đích tiến bộ của nhân loại.
Ở nước ta báo chí là một binh chủng tuyền truyền của Đảng và Nhà nước, là tiếng nói chính thống của nhân dân cho nên khi mạng xã hội phát triển đa dạng, đa chiều thậm chí đang trở thành “ma trận hỗn loạn” thì báo chí đóng vai trò quan trọng để cung cấp những thông tin đích thực, chính thống, đầy dủ và đúng đắn cho công chúng.
Muốn làm được việc này báo chí phải là tiếng nói đích danh, phải công minh, trung thực và bảo vệ sự thật với quan điểm và phương thức tiến bộ, đầy trách nhiệm.
Báo chí phải đa dạng trong phương thức tiếp cận, một mặt giữ vững quan điểm, mặt khác phải tôn trọng sự đa chiều phong phú của các nguồn thông tin.
Trong lúc xã hội đang loạn thông tin, công chúng muốn tìm đến sự thật, chân lý thì trông chờ vào báo chí chính thống.
Đáp ứng nhu cầu đó báo chí phải tìm cách để tiếng nói của mình mang tính định hướng với những thông tin chính thống thuyết phục làm chổ dựa để cũng cố niềm tin.
Như vậy thì báo chí phải tìm cách sử dụng, khai thác những ưu thế của công nghệ để đương đầu và hòa nhập được với mạng xã hội.
Mỗi cơ quan báo chí phải là một cơ quan truyền thông đa phương tiện. Cần phải phát triển các phiên bản điện tử thành trang hỗ trợ cho báo in truyền thống, tiến tới trang chính thức cùng tồn tại song song trong hệ báo chí truyền thống.
Người dân tiếp cận được với báo chí mọi nơi, mọi lúc, trên mọi phương tiện nhất là các phương tiện di động, cầm tay.
Cũng qua đó mà những người làm báo vừa phát huy được tính năng tương tác tuyệt vời của công nghệ, vừa nắm bắt, thậm chí “đo lường” được các xu hướng trong dư luận và tâm trạng xã hội, từ đó điều chỉnh hợp lý nội dung và cách thức truyền thông của mình.
Các nhà báo cần cập nhập thông tin trên mạng xã hội, coi đó là những nguồn tin ban đầu, những xu hướng và động cơ của nguồn tin, qua đó bằng nghiệp vụ và bản lĩnh báo chí của mình, xác minh, điều tra, xử lý một cách thích hợp để tác nghiệp theo định hướng của báo chí truyền thống.
Đã đến lúc mỗi nhà báo cũng là một thành viên trên mạng xã hội, qua đó để nắm bắt thông tin, cũng như phổ biến, định hướng thông tin kịp thời theo sát cuộc sống.
Mạng xã hội cũng là nguồn để các nhà báo thu thập thông tin; là nơi để các báo tìm kiếm, lựa chọn đội ngũ cộng tác viên mang tính đa dạng, phong phú trên các lĩnh vực.
Sự bùng nổ của mạng xã hội là một thực tế khách quan, đó là kết quả của sự phát triển công nghệ của nhân loại cần phải được tiếp cận theo tư duy đổi mới và tiến bộ.
Báo chí đón nhận đây là cơ hội cần được cởi mở, cổ vũ, hoan nghênh và thích ứng; đồng thời cũng coi đây là thách thức làm sao đáp ứng được nhu cầu bức thiết của xã hội lại vừa nắm bắt, vận dụng để tạo ra những tiền đề mới cả về phương diện kỷ thuật cả về nhận thức và phương thức tiếp cận, truyền bá và quản lý thông tin.
Cần nhận thức rằng, chỉ có chung sống, đồng hành, hợp lực với mạng xã hội để tiếp cận thật tốt, để vừa tương tác hỗ trợ nhau vừa có phương thức quản lý phù hợp vì mục tiêu tiến bộ xã hội và nhu cầu tiếp nhận thông tin đích thực, chính thống của công chúng. Đó là cách ứng xử đúng đắn nhất phù hợp nhất đối với mạng xã hội.
Theo giaoducthoidai.vn